Các địa phương khẩn trương di đời dân, chống bão số 8

Các địa phương khẩn trương di đời dân, chống bão số 8

(SGGPO).- Hồi 4 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Bình khoảng 140 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Tập trung đưa tàu thuyền vào khu vực tránh trú bão an toàn

Tập trung đưa tàu thuyền vào khu vực tránh trú bão an toàn

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 16 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Thái Bình - Nghệ An. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 29-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi Đông Bắc Bắc Bộ.

Di dời hàng chục nghìn hộ dân

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 6h30 ngày 28-10, bộ đội biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với chính quyền địa phương, thông báo hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 56.892 tàu với 261.797 người và 1.796 lồng, bè, chòi canh với 3.540 người phòng tránh bão.

Gia cố lại đê bao để chống bão

Gia cố lại đê bao để chống bão

Các địa phương đã chỉ đạo sẵn sàng thực hiện việc di dân ngay trong đêm 27-10 và rạng sáng 28-10 nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân trước khi bão đổ bộ vào.

Đến 6h ngày 28-10, tỉnh Thái Bình đã di dời được khoảng 10.000 người trong tổng số hơn 19.000 người theo kế hoạch.

Tỉnh  Nam Định đã cấm biển từ 17 giờ ngày 27-10, toàn bộ 2.077 tàu đã vào nơi neo đậu. Cùng ngày, 1081 hộ dân 4.717 người ở ngoài đê biển và đê cửa sông đã có lệnh sơ tán, đến 5 giờ ngày 28-10 đã sơ tán được 1.900 người, số còn lại khoảng 400 người đang ở tại các chòi canh hải sản và ở các khu nghỉ mát sẽ tổ chức di dời vào trong sáng 28-10.

Đến 18h ngày 27-10, Hải Phòng đã tổ chức thu hoạch được 33.433 ha lúa/tổng diện tích gieo cấy 40.679 ha (đạt 82,2%). Các địa phương đang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa còn lại.

Ngoài ra, các đơn vị đã bố trí hơn 28.000 người sẵn sàng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão; chuẩn bị hơn 1.100 xe ôtô các loại, 152 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp, 20.843 tấn lương thực,...

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo di dân tại các vùng thấp trũng thuộc huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn theo kế hoạch là 6.168 hộ với 15.629 người.

Tại Ninh Bình, toàn bộ 310 người trông coi thủy sản ở phía ngoài đê biển Bình Minh II đã được di chuyển vào phía trong.

Đến 6 giờ ngày 28-10, Thanh Hóa đã sơ tán được 1.600 người tại các khu vực thấp trũng ven biển; dự kiến sẽ tổ chức sơ tán dân tại chỗ vào sáng 28-10 với tổng số 12.125 hộ với 53.000 người.

Cũng trong sáng ngày 28-10, tại xã vùng biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc – Thanh Hoá) vẫn còn 3 tàu thuyền chưa vào bờ do hư hỏng. 

Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tổ chức lực lượng, phương tiện hướng dẫn và hỗ trợ những tàu thuyền của ngư dân vào bờ; đồng thời chuẩn bị 5 xe ca; 6 xe tải và 956 xe máy phục vụ trong công tác di dân. Tổng số hộ ở xã Ngư Lộc phải di dời là 1.085 hộ với 3.146 khẩu.

Người dân bảo vệ tài sản phòng chống bão đổ vào

Người dân bảo vệ tài sản phòng chống bão đổ vào

Cuối buổi sáng, công tác di dời dân đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên vẫn còn một số hộ, một số người dân vẫn cố bám trụ ở khu vực mép nước để chằng chống nhà cửa, buôn bán lẻ thức ăn, đồ gia dụng.

Ông Nguyễn Văn Ngữ - CT UBND xã Ngư Lộc cho biết: “Hiện nay, xã đã thực hiện lệnh di dân đến với từng hộ, vận động đến các địa điểm sâu trong đất liền để tránh trú bão; riêng các hộ còn ở gần khu vực mép nước, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, cần thiết thì cưỡng chế để đưa vào khu vực an toàn tránh trú bão trước khi bão số 8 ập vào đất liền”.

Người dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ vào

Người dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ vào

Trước đó tối 27-10, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp bàn phương án di dời gần 12 vạn người dân đang sinh sống trong phạm vi cách mép nước ven biển 200 m của các địa phương: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, thị xã Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia.

Ngay sau cuộc họp kết thúc, các ngành các cấp cũng như các địa phương đã tập trung triển khai ngay việc tuyên truyền cho nhân dân và chuẩn bị di dời người dân khẩn cấp. Theo đó, ngay sau khi có lệnh của UBND tỉnh Thanh Hóa, các lực lượng chức năng và chính quyền các xã tiến hành di dân, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ đi trước để đảm bảo an toàn. Đối với các tàu cá của ngư dân do hỏng hóc vẫn còn neo đậu ven biển sẽ được cho đánh chìm, sau bão sẽ cho trục vớt, kiên quyết đưa người trên tàu vào bờ.

Lực lượng Công an Thanh Hóa triển khai lực lượng xuống địa bàn các xã để di dời dân vào nơi trú ẩn (ảnh chụp tối 27-10). Ảnh: Đình Hợp
Lực lượng Công an Thanh Hóa triển khai lực lượng xuống địa bàn các xã để di dời dân vào nơi trú ẩn (ảnh chụp tối 27-10). Ảnh: Đình Hợp

Ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phân công cụ thể từng thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phụ trách từng địa phương, về các xã ngay trong đêm để kịp thời chỉ đạo. Các ngành chức năng, các cấp chính quyền và từng thành viên đã được giao chỉ đạo phải chú trọng các biện pháp an toàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chết người do bão. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai ngay lực lượng, bố trí 10 chiến sỹ công an, 10 chiến sỹ bộ đội về mỗi xã vùng mép nước để giúp người dân di dời đến nơi an toàn theo lệnh.

Bão Sơn Tinh gây thiệt hại nặng nề tại Philippines

Giới chức Philippines xác nhận, bão Sơn Tinh (địa phương còn gọi là Ofel) đã cướp đi sinh mạng của 27 người, làm 9 người mất tích và 19 người khác bị thương.

Báo cáo mới nhất (vào tối 27-10) của Hội đồng giám sát và giảm thiểu rủi ro thiên tai Philippines (NDRRMC) cho biết, trong số 27 nạn nhân chết vì bão, 15 người thiệt mạng do đuối nước, 5 người chết bởi cây đổ, các trường hợp khác thiệt mạng bởi các tai nạn khác như điện giật, sạt lở đất…

Khoảng 14.700 hộ gia đình (tương đương khoảng 66.800 người) đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão, trong đó khoảng 15.200 người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa tới ở tại 97 trung tâm sơ tán. NDRRMC cho biết thêm rằng hiện 3 tỉnh ở miền bắc Philippines vẫn bị ngập lụt.

Đăng Hưng


Đình Hợp - VGP News

Tin cùng chuyên mục