Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang “ăn quỵt” của môi trường và cộng đồng

Ngày 25-5, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (PCTN) chủ trì tổ chức cuộc đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế về PCTN với chủ đề PCTN trong quản lý và khai thác khoáng sản.

° Chuyển 9 vấn đề của Vinashin sang cơ quan điều tra
Ngày 25-5, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (PCTN) chủ trì tổ chức cuộc đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế về PCTN với chủ đề PCTN trong quản lý và khai thác khoáng sản.

Kết quả của một khảo sát về nguy cơ tham nhũng ẩn chứa trong một số hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản do Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ tiến hành cũng cho thấy, có doanh nghiệp phải chờ đến 953 ngày để được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; có doanh nghiệp sau 720 ngày mới có quyết định phê duyệt trữ lượng. Chưa kể các doanh nghiệp phải “chi không chính thức” trung bình 110 triệu đồng để có được quyết định này, cá biệt có doanh nghiệp phải chi đến 1,2 tỷ đồng. Hoặc để có thông tin về khai khoáng, có doanh nghiệp phải chi tới... 5 tỷ đồng tiền phi chính thức, “rẻ” cũng vài trăm triệu đồng. Không chỉ vậy, việc chia nhỏ các mỏ để cấp nhiều giấy phép cũng diễn ra khá phổ biến.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cho rằng tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng có nhiều điểm khác với tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Thể hiện ở chỗ, việc giám sát sản lượng khai thác khoáng sản đang bị bỏ ngỏ. “Các doanh nghiệp luôn giữ kín, nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác, dẫn đến thâm hụt thuế. Tham nhũng nằm ở chỗ các nhà quản lý thông đồng với doanh nghiệp để báo cáo sản lượng khai thác thấp hơn thực tế” - ông Võ nhận định.

Mặt khác, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vẫn đang “ăn quỵt của môi trường và cộng đồng”. Vì thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa trả lại cho môi trường những gì họ đã lấy đi khi khai thác tài nguyên khoáng sản. Tất cả những “lỗ hổng” này đang khiến tài nguyên của Việt Nam đang bị “chảy máu” trầm trọng, gây bức xúc cho toàn xã hội.

Tại cuộc đối thoại lần thứ 9 này, nhiều diễn giả trong nước cũng như quốc tế đã đóng góp các giải pháp về PCTN trong lĩnh vực quản lý và khai thác khoáng sản. Hầu hết ý kiến tập trung vào các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về khoáng sản. Việt Nam cần xây dựng chiến lược khoáng sản để nâng cao tính khả thi trong quy hoạch khoáng sản. Đổi mới cơ chế bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động này.

Ông Matthieu Salomon, cố vấn cao cấp của tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), cũng nhận định, công nghiệp khai khoáng là ngành dễ xảy ra tham nhũng do những yếu tố như đầu tư lớn, lợi thế độc quyền. Vì vậy, minh bạch và trách nhiệm giải trình là nội dung của “Sáng kiến minh bạch” ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) mà các đối tác phát triển muốn vận động Việt Nam tham gia để phối hợp thực hiện nhằm loại trừ tham nhũng.

Tại buổi đối thoại, ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ, khẳng định Chính phủ Việt Nam đang chủ động thực hiện PCTN thường xuyên, liên tục bằng nhiều biện pháp. Về khuyến nghị của các nhà tài trợ, ông Truyền khẳng định, một trong những trọng tâm của hoạt động PCTN là việc cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc công khai minh bạch thông tin, không những về xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng mà cả về việc thanh tra, kiểm tra những sai phạm.

Bên lề buổi đối thoại, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã trao đổi với báo chí một số vấn đề liên quan đến kết luận thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Theo ông Truyền, các sai phạm được phát hiện không khác nhiều so với báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trước Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra đã xác định có một số sai phạm như hành vi làm trái quy định pháp luật, làm trái chỉ đạo của Chính phủ, có dấu hiệu móc ngoặc làm ăn phi pháp. Ngoài ra Vinashin cũng có việc làm mang tính tùy tiện, thậm chí cục bộ trong phạm vi gia đình…

Ông Truyền khẳng định: “Đó là dấu hiệu của tiêu cực, tham nhũng và đương nhiên Thanh tra Chính phủ phải kiến nghị tiếp tục điều tra để làm rõ và xử lý hình sự nếu có vi phạm. Chúng tôi đã kiến nghị 9 vấn đề cụ thể tới cơ quan điều tra, các vấn đề này sẽ được công bố vào thời điểm phù hợp. Hiện thanh tra và cơ quan điều tra vẫn đang tích cực phối hợp với nhau để làm rõ những sai phạm tại Vinashin”.

PH. THẢO - A.MINH

Tin cùng chuyên mục