(SGGP).- Tại hội thảo “Sử dụng và xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất và xuất khẩu bền vững” do Dự án Mutrap III và Cục Quản lý Cạnh tranh tổ chức tại TPHCM ngày 14-4, các chuyên gia trong và ngoài nước đều đưa ra nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa bảo hộ sản xuất nội địa lan rộng trên toàn thế giới.
Chỉ trong 2 năm 2008-2009, các nước sử dụng các biện pháp bảo hộ liên quan đến thương mại tăng 16% với 496 trường hợp, 131 chương trình hỗ trợ kinh tế, 89 chương trình hỗ trợ tài chính cho ngành.
Việt Nam chưa được Hoa Kỳ và EU công nhận là nền kinh tế thị trường nên sản phẩm VN gặp rất nhiều bất lợi trong việc nguyên đơn chọn nước thứ 3 để đối chiếu, so sánh từ đó xác định biên độ áp thuế chống phá giá.
Trong số 27 nước EU, có khá nhiều quốc gia ủng hộ cho sản phẩm của VN nhưng VN chỉ có thể thắng khi có số phiếu ủng hộ quá bán theo quy định. Do vậy, trong quá trình vận động, VN không chỉ tranh thủ sự ủng hộ của 1 hoặc vài quốc gia mà là của hầu hết các quốc gia trong EU.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, cách tốt nhất để tránh rủi ro trong thương mại, các DN phải có ý thức trong việc đa dạng hóa thị trường, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, đồng thời phải chú ý hơn về giá bán.
T.HẢI