Sở Khoa học - công nghệ (KH-CN) TPHCM, Ban chủ nhiệm Chương trình CNTT-GIS vừa tổng kết và phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học Chương trình CNTT-GIS 2006-2010. Chương trình đã cho ra đời nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị, góp phần vào sự phát triển CNTT và hỗ trợ công tác quản lý của TP.
85% dự án áp dụng sau nghiệm thu
Theo PGS.TS Dương Anh Đức, Chủ nhiệm Chương trình CNTT-GIS, giai đoạn 2006-2010, Ban chủ nhiệm chương trình đã tư vấn cho Sở KH-CN và UBND TPHCM ưu tiên tập trung đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các cơ quan nhà nước, làm ra sản phẩm có khả năng thương mại hóa, sát với nhu cầu thị trường…
Trong 4 năm qua, chương trình đã xét duyệt 23 đề tài, giám định 8 đề tài, nghiệm thu 30 đề tài,… với tổng kinh phí đầu tư 17,6 tỷ đồng. Tỷ lệ các dự án KHCN áp dụng sau nghiệm thu đạt 85%.
Cụ thể trong lĩnh vực điện tử - viễn thông, công trình tiêu biểu nhất là “Nghiên cứu thiết kế và thi công các kit thí nghiệm, giảng dạy vi điều khiển Risc 8 bit và 16/32 bit”. Đến nay, bộ kit thử nghiệm đã được sản xuất, phục vụ công tác giảng dạy tại Khoa Điện – Điện tử, ĐH Bách khoa TPHCM.
Cũng từ những kết quả nghiên cứu trên, TPHCM đầu tư thực hiện dự án: “Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 8 bit Risc thương mại SG-8V1”, với tổng kinh phí đầu tư 9,5 tỷ đồng.
Dự án bước đầu sản xuất thử 150.000 chip vi xử lý thay thế chip nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore… dùng trong các thiết bị như máy giặt, máy điều hòa không khí, hệ thống quang báo, thiết bị giám sát hành trình.
Còn trong lĩnh vực hệ thống thông tin địa lý, nghiên cứu thành công nhất là “Đánh giá rủi ro động đất cho TPHCM trên cơ sở sử dụng GIS và các mô hình tính toán”. Đề tài này đã xây dựng được các mô hình, kịch bản mô phỏng rủi ro khi xảy ra động đất, khả năng phá hủy nền…
Đề tài đang chuẩn bị chuyển giao cho Ban Phòng chống lụt bão TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM để tiếp tục cập nhật số liệu của những năm tiếp theo. Các số liệu trên đặc biệt ý nghĩa, sẽ giúp lãnh đạo TPHCM ra những quyết định di dời, bảo vệ người dân, tài sản, xác định thiệt hại… nếu có động đất xảy ra.
Tiếp tục bám sát nhu cầu thị trường
Thực tế, từ các dự án nghiên cứu, lĩnh vực điện – điện tử bước đầu đã hình thành một số nhóm nghiên cứu mạnh như Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), ĐH Bách khoa, Trung tâm R&D, Khu Công nghệ cao… có tiềm năng cho ra đời các nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao, các sản phẩm có thể gia nhập thị trường, từng bước thay thế thiết bị nhập khẩu…
Điều này dễ dàng nhận thấy khi thực tế, các nhóm nghiên cứu trên đã xây dựng được nhiều lõi IP đủ khả năng tham gia các sàn giao dịch IP hàng đầu thế giới, hướng tới thiết kế, sản xuất chip vi xử lý RFID (thẻ nhận dạng bằng sóng truyền thanh) phục vụ quản lý kho hàng, phương tiện, con người…
Cũng từ các nghiên cứu trong dự án, TPHCM đã xây dựng được chuẩn dữ liệu trao đổi thông tin trên hệ thống thông tin bản đồ số, ứng dụng trên thiết bị di động, trong quản lý hạ tầng viễn thông, giám sát dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận…
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, với hàng chục công trình nghiên cứu cho ra kết quả là các hệ thống quản lý, sản phẩm công nghệ cụ thể nhưng những ứng dụng của hệ thống quản lý lại chưa được rộng rãi, mới chỉ có một dự án được tiến hành sản xuất.
PGS-TS Dương Anh Đức nhìn nhận, chương trình vẫn còn nhiều hạn chế như: Mối liên hệ giữa các nhà khoa học – cơ quan quản lý - doanh nghiệp chưa cao; tính ứng dụng các nghiên cứu chưa nhiều; sản phẩm chưa thực sự sát với nhu cầu doanh nghiệp…
Trước vấn đề này, PGS.TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho rằng, đúng là có những nghiên cứu còn chưa bám thật sát nhu cầu thị trường, khả năng thương mại hóa chưa nhiều nhưng trong giai đoạn vừa qua, TP đã thoát khỏi tình trạng nghiên cứu rồi bỏ vào tủ. Hơn nữa, trong nghiên cứu KH-CN, không hẳn nghiên cứu nào cũng cho ra sản phẩm thương mại.
Trong số các kết quả nghiên cứu, chỉ một vài kết quả thương mại hóa thành công thì giá trị mang lại cũng vô cùng to lớn. Thực tế trong nước và thế giới, tỷ lệ ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu cũng chỉ từ 2% đến 3%.
Song, để tiếp tục phát huy các công trình nghiên cứu, sở cũng như ban chủ nhiệm chương trình sẽ tiếp tục đẩy mạnh mối liên kết giữa nhà khoa học - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp, gắn chặt công tác nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tế cuộc sống.
Sở KH-CN TPHCM đã chính thức chuyển giao 6 lõi IP (gồm Bộ IP thực hiện chức năng DSP cơ bản; lõi IP điều khiển giao tiếp 12C; lõi IP điều khiển ngắt lập trình ngược; lõi IP giải mã Viterbi; lõi IP điều khiển TFT-LCD; lõi IP điều khiển giao tiếp USB 2.0 - được định giá khoảng 10 tỷ đồng) cho Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thực hiện thương mại hóa. Theo Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng (Giám đốc ICDREC), 6 lõi IP này sẽ được đưa lên các sàn giao dịch IP trực tuyến hàng đầu thế giới để kinh doanh. Ngoài ra, ICDREC cũng có thể dùng các IP này góp vốn đầu tư cùng các đơn vị sản xuất thiết bị gắn chip hoặc nhà máy sản xuất chip. |
Bá Tân - Kiên Giang