Các lớp kỹ năng sống: Thừa mà thiếu

Thừa mong muốn
Các lớp kỹ năng sống: Thừa mà thiếu

Hè về, nhiều phụ huynh lại đôn đáo đi tìm chỗ cho con học hè kết hợp vui chơi giải trí lẫn rèn luyện kỹ năng sống. Hiện có trên 60 công ty, đơn vị mở các khóa kỹ năng sống với nhiều nội dung, mô hình khác nhau nhằm khai thác nhu cầu ngày càng lớn này. Để con cái có mùa hè bổ ích, phụ huynh sẽ “chọn mặt gửi vàng” ở đâu?

Các chương trình học kỳ quân đội được quảng bá rầm rộ tại TPHCM.

Các chương trình học kỳ quân đội được quảng bá rầm rộ tại TPHCM.

Thừa mong muốn

Chị Hoàng Lê, nhà ở quận 1, tâm sự: “Thời ít con, ai cũng chăm bẵm lo cho con và dành tình thương cho con quá nhiều khiến lũ trẻ bây giờ chỉ biết học, ỷ lại, chẳng biết làm việc gì. Để chúng bớt thụ động và tránh xa ti vi, máy vi tính, game online, cách tốt nhất là cho chúng xa nhà, tham gia vào các khóa học hè, rèn luyện kỹ năng…”. Chị Hoàng Lê đúc kết rằng nhờ 3 năm liên tục cho con đi trại hè Thanh Đa, tham gia học kỳ quân đội và hành trình trải nghiệm do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức, cậu con trai học lớp 9 của chị đã trưởng thành hơn. Rất nhiều phụ huynh cho con cái tham gia trại hè quân đội cũng cho rằng sau khi được trải nghiệm, vượt khó, bọn trẻ tự tin hơn, biết sống tự lập hơn.

Thế nhưng, không phải khóa học nào cũng mang lại kết quả “cải tạo”, làm thay đổi nhận thức sống tự lập, biết vượt khó của những “cậu ấm cô chiêu” thời nay. Nhiều cha mẹ vì bất lực trong việc dạy con nên dịp hè muốn gởi con, thậm chí là ép con theo học các khóa kỹ năng với mong muốn dù ít hay nhiều con mình sẽ đổi thay, sẽ trưởng thành hơn. Thế nhưng, mong ước, kỳ vọng là một chuyện còn con cái họ chuyển biến đến đâu lại là câu chuyện dài về giáo dục. Chị Lê Ánh, nhà ở quận Bình Thạnh, bộc bạch: “Năm ngoái, lần đầu tiên xa nhà, tham gia trại hè quân đội thằng con trai học lớp 5 của tôi háo hức lắm. Thế nhưng, sau khóa học hè này nó cũng thay đổi không nhiều, chủ yếu là biết gấp gối, mền sau khi thức dậy. Còn năm nay, dò hỏi cháu đi nữa không thì nó lắc đầu quầy quậy: “Mẹ nghĩ sao vậy, ở nhà sướng hơn nhiều? Đi học kỳ quân đội con thấy khổ lắm, phải dậy sớm, phải làm mọi việc, không được ngủ máy lạnh…”. Anh Tùng, nhà ở quận 3 cũng cho biết: “Nghe quảng cáo dữ quá, tôi dành 5 triệu đồng cho cô gái học lớp 10 theo khóa học trọn 3 ngày, nhưng kết quả không như kỳ vọng. Tôi hiểu, muốn con thay đổi tư duy, hành động tốt hơn đòi hỏi phải có quá trình dài rèn luyện, thực hành…”. Do phụ huynh không tìm hiểu kỹ chương trình, nội dung có phù hợp với độ tuổi, sở thích của con mình hay không nên xảy ra không ít chuyện bực mình, thậm chí thất vọng về chất lượng khóa học cũng như đội ngũ báo cáo viên thiếu chuẩn về sư phạm, giáo dục. Một bác sĩ hối hận vì cho con tham gia một khóa du khảo, trải nghiệm chuyện lên rừng, xuống biển, khám phá những điều kỳ thú nhưng cháu bị báo cáo viên đồng giới “lạm dụng tình dục”.

Thiếu thẩm định chất lượng

Gần đây, nắm bắt nhu cầu ngày càng lớn của phụ huynh trong việc quan tâm, tạo cơ hội cho con cái có được trải nghiệm thực tế, trui rèn kỹ năng sống tự lập, nhiều công ty, đơn vị đã vào cuộc, nhộn nhịp khai thác mảnh đất màu mỡ này? Thôi thì có đủ các chương trình, nội dung phong phú để trui rèn, thử thách, vượt khó như lên rừng, xuống biển, về nông thôn làm nông dân… đến tu hành ở nơi cửa Phật. Từ mức học phí 1-2 triệu đồng/khóa đến mức “khủng” là 5-7 triệu đồng/khóa hoặc vài ngàn đô la (khóa du học hè ở nước ngoài), lợi nhuận thu được từ thị phần này không nhỏ. Có thể nói vì chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh thiếu lành mạnh, nhiều trung tâm, đơn vị không đủ mặt bằng, cơ sở thiếu thốn và đội ngũ báo cáo viên, hướng dẫn viên “vơ bèo vạt tép” cũng ra sức quảng bá rất kêu, rất hấp dẫn. Để chiêu sinh được nhiều học viên, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5, nhiều công ty, đơn vị tìm đến các trường học tiếp thị, mời chào học sinh tham gia. Thế nhưng, chất lượng đến đâu, hiệu quả thế nào thì còn phải chờ thẩm định. Phải thừa nhận, nhiều chương trình huấn luyện kỹ năng sống, thực hành xã hội du nhập từ nước ngoài có nội dung tốt, lành mạnh, hợp với xu thế hội nhập, thích điều mới lạ của giới trẻ - thanh thiếu niên nước ta. Thế nhưng, nếu lựa chọn không kỹ càng, thiết kế nội dung huấn luyện phù hợp với từng độ tuổi thì đôi khi lại phản thực tế. Vậy cơ quan, đơn vị nào có trách nhiệm thẩm định các khóa học đang nở rộ này?

Bà Trần Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, cho biết: “Để mỗi chương trình, khóa học huấn luyện kỹ năng sống - thực hành xã hội mang lại hiệu quả, có tác động tích cực đến từng thanh thiếu niên, trung tâm phải đầu tư rất nhiều về nội dung, thiết kế chương trình phù hợp. Không chỉ giới hạn số lượng tham gia, chúng tôi còn phải chọn lọc, tuyển chọn, phân công báo cáo viên, hướng dẫn viên cho từng lớp học một cách khắt khe”. Tương tự, ông Mai Sinh (Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM) cũng cho rằng việc thiết kế các chương trình vui chơi, giải trí, rèn luyện kỹ năng sống cho giới trẻ phải thiết thực, khơi gợi tinh thần tự giác, đánh thức tư duy tích cực, hướng các em đến mục tiêu sống tốt hơn, hữu ích hơn. Cũng theo các chuyên gia, huấn luyện viên, khi đến trung tâm các em được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng sống, ứng xử bài bản nhưng về nhà cha mẹ không đồng hành, vẫn duy trì kiểu cưng con - chiều con thái quá thì khó đạt kết quả.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục