Các nước chia rẽ về việc trưng cầu dân ý ở Crimea

Kết thúc cuộc họp kín thảo luận tình hình tại Ukraine ngày 10-3 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) lại tiếp tục chia rẽ. Nga và phương Tây tiếp tục thể hiện lập trường khác biệt đối với cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập vào Liên bang Nga của Cộng hòa (CH) tự trị Crimea.

Kết thúc cuộc họp kín thảo luận tình hình tại Ukraine ngày 10-3 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) lại tiếp tục chia rẽ. Nga và phương Tây tiếp tục thể hiện lập trường khác biệt đối với cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập vào Liên bang Nga của Cộng hòa (CH) tự trị Crimea.

        Nga và phương Tây bất đồng

Đây là cuộc họp thứ 5 trong vòng 10 ngày qua, diễn ra theo đề nghị của Ukraine. Các cuộc họp của HĐBA LHQ cho đến nay chưa đạt được một đồng thuận nào và cho thấy rõ sự chia rẽ giữa Nga và các nước phương Tây xung quanh tình hình Ukraine, đặc biệt là quy chế của bán đảo Crimea. Đại diện của phương Tây như Anh, Pháp… tại LHQ cho rằng Nga cần ngồi vào bàn thương lượng và thông điệp của phương Tây là không chấp nhận trưng cầu dân ý, đồng thời cảnh báo về những biện pháp trừng phạt nếu Mátxcơva vượt qua “giới hạn” cho phép.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin khẳng định Mátxcơva sẽ “không từ bỏ trách nhiệm lịch sử” với Crimea. Trong bối cảnh căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine tăng cường đối thoại và tránh những “lời lẽ mang tính khiêu khích và hành động nóng vội”.

Đối với đề xuất của Mỹ về giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine (như sẽ đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Mátxcơva và Kiev; triển khai giám sát viên quốc tế tại Ukraine; các lực lượng Nga tại Crimea trở về căn cứ; quốc tế hỗ trợ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 tại Ukraine…), phía Nga không chấp nhận bởi tất cả đề xuất này được xây dựng theo hướng dường như đang tồn tại mâu thuẫn giữa Mátxcơva và Kiev, cũng như theo hướng phải chấp nhận một việc đã rồi.

Trong khi đó, ngày 11-3, Ngân hàng Thế giới tuyên bố sẵn sàng viện trợ Ukraine 3 tỷ USD trong năm nay nhằm ổn định kinh tế trong nước.

        80% dân Crimea ủng hộ sáp nhập vào Nga

Theo Itar-Tass, ngày 11-3, Rada tối cao (Quốc hội) nước Cộng hòa tự trị Crimea (thuộc Ukraine) vừa thông qua tuyên bố về nền độc lập của nước cộng hòa. Đây là điều kiện cần thiết để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào ngày 16-3 tới.

“Văn kiện này là cần thiết để tiến hành trưng cầu ý dân và sự sáp nhập có thể sắp tới của Crimea vào Nga”, hãng thông tấn Itar-Tass dẫn nguồn tin trong chính quyền Crimea cho biết. Việc thông qua tuyên bố này là một thủ tục mang tính kỹ thuật.

Trong thông báo vừa được đăng trên website của Hội đồng tối cao nước Cộng hòa tự trị Crimea nói rằng, 78/100 đại biểu tham dự đã bỏ phiếu tán thành bản tuyên bố độc lập của Crimea. Văn kiện này nhấn mạnh: “Trong trường hợp nếu như kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào ngày 16-3 tới đây thể hiện được ý chí và nguyện vọng của người dân Crimea thì sẽ thông qua quyết định sáp nhập Crimea, bao gồm nước cộng hòa tự trị và thành phố Sevastopol vào Nga, Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý này sẽ tuyên bố là quốc gia độc lập và có chủ quyền với chính thể cộng hòa. Nước cộng hòa Crimea với tư cách là quốc gia độc lập và có chủ quyền, trong trường hợp có kết quả phù hợp từ trưng cầu ý dân sẽ đề nghị Nga chấp nhận trên cơ sở một thỏa thuận liên quốc gia để trở thành một thành phần của Nga với tư cách là một chủ thể của Liên bang Nga”.

Trong lúc này, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy khoảng 80% dân Crimea sẽ ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. Quốc hội Crimea cũng đã mời Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cử một phái bộ đến giám sát cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16-3 về việc sáp nhập vào Nga.

HẠNH CHI  

Ông Viktor Yanukovych tuyên bố quay lại Ukraine

Chiều 11-3, ông Viktor Yanukovych đã có cuộc họp báo tại Trung tâm Triển lãm VertolExpo (Rostov, Nga). Đây là cuộc họp báo thứ 2 của ông Yanukovych kể từ khi phải rời Ukraine sau khi phe đối lập tiếm quyền ở Kiev. Có hơn 100 phóng viên đưa tin về sự kiện này.

Mở đầu cuộc họp báo, ông Yanukovych tuyên bố: “Tôi vẫn là tổng thống hợp pháp và duy nhất của Ukraine và là tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang. Tôi chưa thôi chức vụ của mình, tôi vẫn đang sống và họ chưa thực hiện việc phế truất tôi theo đúng trình tự”. Ông Yanukovych cũng cáo buộc chính quyền mới ở Kiev đang đưa đất nước tới bờ vực nội chiến. Ông Yanukovych nhấn mạnh, bất kỳ cơ quan quyền lực nào đang hình thành ở Kiev đều là bất hợp pháp. Cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn, vốn được phe đối lập ấn định vào ngày 25-5, là vi hiến.

Ông Yanukovych thông báo sẽ yêu cầu Thượng viện, Hạ viện và Tòa án tối cao Mỹ xem xét tính hợp pháp của các hành động mà chính phủ ông Obama đang tiến hành có liên quan tới tình hình Ukraine. Ông Yanukovych cáo buộc chính quyền hiện nay ở Kiev đang “chi tiền cho các băng đảng xã hội đen” trong khi tình hình kinh tế, xã hội ở đất nước vô cùng tồi tệ. Ông Yanukovych tuyên bố: “Khi tình hình cho phép, hy vọng là sẽ không lâu, tôi sẽ trở về Kiev”. Cuộc họp báo của ông Yanukovych chỉ diễn ra trong vòng 10 phút. Sau đó, ông không trả lời các câu hỏi của phóng viên và nhanh chóng rời phòng họp báo.

VIỆT LÊ

>> Cộng hòa Cremia mời Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu giám sát trưng cầu dân ý

>> Tổng thống Putin: Crimea hành động phù hợp luật pháp quốc tế

Tin cùng chuyên mục