Các tập đoàn lớn ngán ngại FCPA

CS Monitor vừa đăng bài xã luận đề cập đến việc Wal-Mart đang tích cực làm việc với các đối tác ở Ấn Độ và Chính phủ Mỹ trước mối lo vi phạm Đạo luật chống tham nhũng, hối lộ quan chức nước ngoài (FCPA) của Mỹ. Động thái này càng cho thấy quyết tâm của Chính phủ Mỹ đánh vào các hoạt động kinh doanh có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ ảnh hưởng đến giới kinh doanh toàn cầu.

CS Monitor vừa đăng bài xã luận đề cập đến việc Wal-Mart đang tích cực làm việc với các đối tác ở Ấn Độ và Chính phủ Mỹ trước mối lo vi phạm Đạo luật chống tham nhũng, hối lộ quan chức nước ngoài (FCPA) của Mỹ. Động thái này càng cho thấy quyết tâm của Chính phủ Mỹ đánh vào các hoạt động kinh doanh có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ ảnh hưởng đến giới kinh doanh toàn cầu.

Ra đời từ năm 1977, FCPA được xem là mối đe dọa đối với những vụ đi đêm của doanh nghiệp Mỹ và quan chức các nước. Từ năm 1998, đạo luật này mở rộng phạm vi điều chỉnh, thêm điều khoản cấm các công ty cũng như cá nhân nước ngoài có hành vi hối lộ khi đang kinh doanh ở Mỹ. Đây được cho là cột mốc quan trọng, bất chấp giới kinh doanh cho rằng nó có thể cản trở đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Theo luật, chủ doanh nghiệp có thể ngồi tù lên đến 20 năm nếu bị tòa kết tội phạm luật FCPA. Để dàn xếp thoát khỏi cáo buộc, các doanh nghiệp phải đồng ý nộp phạt bộn tiền. Tính từ năm 2009, chính quyền Mỹ đã thu được 2 tỷ USD tiền phạt đối với các cá nhân, công ty vi phạm đạo luật trên.

Năm ngoái, với việc thực thi gắt gao đạo luật trên, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart phải thừa nhận việc các đại diện kinh doanh ở Mexico đút lót quan chức chính phủ của quốc gia Bắc Mỹ này để được cấp phép mở các chi nhánh tại đây. Giờ đây, khi nhắm đến Ấn Độ là thị trường bán lẻ lớn nhất của Wal-Mart trong vài năm tới, những nhân vật chủ chốt của tập đoàn này càng phải e dè. Họ đang nỗ lực trong sạch hóa quy trình xúc tiến đầu tư kinh doanh tại một quốc gia không được Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) đánh giá cao. Wal-Mart yêu cầu các đối tác ở Ấn Độ cam kết không dùng hành vi hối lộ để “bôi trơn” chính quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ mở rộng các cửa hiệu Wal-Mart tại đây.

FCPA đã “sờ gáy” được những tên tuổi lớn. Tuần trước, chính quyền Mỹ vào cuộc điều tra Công ty Panasonic Avionics Corp (PAC) chuyên cung cấp các thiết bị truyền thông - giải trí hàng không thuộc tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) với cáo buộc hối lộ vì mục đích kinh doanh. Các thương hiệu từng nhận được danh hiệu “một trong những công ty kinh doanh có đạo đức nhất thế giới giới” như Oracle, General Electric, HP, AstraZeneca cũng từng phải dàn xếp hoặc bị điều tra vì vướng FCPA. Năm 2008, tập đoàn Siemens của Đức từng đồng ý nộp phạt hơn 1,3 tỷ USD tại Đức và Mỹ để dàn xếp các cáo buộc tham nhũng.

36 năm qua, kể từ khi FCPA có hiệu lực, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ phải lựa chọn sự trung thực, gạt bỏ cách đi tắt bằng hối lộ để chấp nhận tụt lại trong cuộc chạy đua kinh doanh. Song hành với Mỹ, nhiều nước cũng đã ban hành các luật chống tham nhũng, tạo hành lang pháp lý để hợp tác với FCPA của Mỹ. Một nghiên cứu do TI thực hiện với 49 quốc gia cho thấy tham nhũng khiến đầu tư nước ngoài đối với những nước này giảm 70%. LHQ nói rằng, vấn nạn này làm thiệt hại 5% kinh tế thế giới mỗi năm. Quay lưng với tham nhũng, hối lộ là điều mà không chỉ người dân, chính quyền Mỹ mong đợi mà còn là đòi hỏi cho một môi trường kinh doanh hiện đại, chấm dứt sự bành trướng của tham nhũng, hối lộ dai dẳng bấy lâu.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục