Các trường ĐH được tổ chức 1-2 lần tuyển sinh/năm

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) hệ chính quy  áp dụng cho mùa tuyển sinh 2014.
Các trường ĐH được tổ chức 1-2 lần tuyển sinh/năm

(SGGPO). - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) hệ chính quy  áp dụng cho mùa tuyển sinh 2014.

Bộ GD-ĐT khẳng định, Quy chế được sửa đổi, bổ sung tại hai điểm chính: bổ sung các điều khoản quy định về tự chủ trong tuyển sinh và sửa đổi, bổ sung chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. Theo đó, hằng năm, các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH- CĐ hệ chính quy tổ chức 1-2 lần tuyển sinh, Bộ GD-ĐT quy định cụ thể thời gian tuyển sinh”, thông tư nêu rõ. Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Các trường ĐH được tổ chức 1-2 lần tuyển sinh/năm ảnh 1

Thí sinh trao đổi sau giờ làm bài trong kỳ thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2013. Ảnh: Mai Hải

Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành

Bộ GD-ĐT nêu rõ, các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh theo quy định sau đây: xây dựng Đề án tự chủ tuyển sinh có nội dung quy định và đáp ứng các yêu cầu do Bộ GD-ĐT quy định; lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh; Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi (nếu có), xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển, giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.

Kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định. Bộ cũng quy định, các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành.

Đối với các trường tổ chức tuyển sinh theo kỳ thi chung, bộ nêu rõ bộ sẽ tổ chức biên soạn đề thi tuyển sinh dùng chung cho các trường; các trường sử dụng đề thi chung của Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức sao in, đóng gói đề thi (nếu được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ), bảo quản, phân phối, sử dụng đề thi; tổ chức kỳ thi; chấm thi và phúc khảo; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.

Đối với các trường tuyển sinh ngành năng khiếu thì các môn văn hoá thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT; các môn năng khiếu do các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi và chấm thi.

Các trường không tổ chức thi tuyển sinh được sử dụng kết quả thi tuyển sinh theo đề thi chung của thí sinh cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của trường để xét tuyển. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.

Đối với các trường tổ chức tuyển sinh riêng, Bộ cũng quy định, Bộ GD-ĐT tiếp nhận và công bố nội dung dự thảo đề án tự chủ tuyển sinh của các trường trên trang thông tin điện tử của Báo Giáo dục và Thời đại và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác để xã hội góp ý hoàn thiện đề án. Trong thời hạn tối đa là 30 ngày kể từ ngày trường nộp đề án tự chủ tuyển sinh hợp lệ, Bộ GD-ĐT tạo xác nhận bằng văn bản đề án tự chủ tuyển sinh của trường đáp ứng hoặc không đáp ứng các yêu cầu và công bố các đề án tự chủ tuyển sinh đã được xác nhận đáp ứng các yêu cầu quy định.

Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển

Quy chế mới cũng sửa đổi, bổ sung sách ưu tiên trong tuyển sinh đối với các đối tượng ưu tiên 01, 04, 05, 07..cũng như về khu vực ưu tiên. Theo Bộ GD-ĐT, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, chính sách tuyển thẳng giữ ổn định như năm 2013, chỉ có một số điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung về đối tượng ưu tiên cho phù hợp với thực tiễn và các chính sách xã hội mới được ban hành. Một số mức ưu tiên cũng được điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng ưu tiên. Cụ thể, về ưu tiên theo khu vực thì vẫn duy trì 4 khu vực ưu tiên bao gồm: khu vực I, khu vực II nông thôn, khu vực II, khu vực III. Điều chỉnh lại quy định về khu vực I: "Các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 theo quy định hiện hành".

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nêu rõ, các trường in 3 giấy chứng nhận kết quả thi ĐH-CĐ cho thí sinh. Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ cấp 1 lần và đóng dấu đỏ của trường. Trường hợp thí sinh để mất thì không cấp lại mà chỉ cấp giấy xác nhận điểm thi.

Về điểm chuẩn của các trường, bộ nêu rõ, các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường Dự bị đại học được phân về trường); căn cứ vào thống kê điểm do máy tính cung cấp đối với các đối tượng và khu vực dự thi; căn cứ vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển; căn cứ tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định, ban Thư ký trình Hội đồng tuyển sinh trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển. Các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành đào tạo tương ứng với các khối thi.

Đối với ngưỡng đầu vào ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT nêu rõ, căn cứ kết quả thi của thí sinh, Bộ GD-ĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH- CĐ đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo. Năm nay Bộ bỏ điểm sàn, thay vào đó sẽ xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây.

Trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng do Bộ GD-ĐT quy định, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển. Các chi tiết liên quan đến điều kiện xét tuyển và thời gian xét tuyển được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử về tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31 -10 hàng năm đối với trường đại học và 15-11 hàng năm đối với trường cao đẳng.”

Hiện nay có 64 trường ĐH-CĐ gửi đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ. Sau khi ban hành thông tư sửa sửa đổi qui chế tuyển sinh, Bộ sẽ công bố các đề án phù hợp với quy chế để các trường triển khai thực hiện.

   
PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục