Cách mạng và người nghệ sĩ của Ngô Vĩnh Bình

Tốt nghiệp khoa lịch sử Trường Đại học Tổng hợp, nhưng sau này Ngô Vĩnh Bình lại đi vào con đường văn học và đây cũng là con đường song hành với đời quân ngũ của anh.
Cách mạng và người nghệ sĩ của Ngô Vĩnh Bình

Tốt nghiệp khoa lịch sử Trường Đại học Tổng hợp, nhưng sau này Ngô Vĩnh Bình lại đi vào con đường văn học và đây cũng là con đường song hành với đời quân ngũ của anh.

Trải mình trên nhiều lĩnh vực văn học, làm việc cần mẫn, trách nhiệm, anh có nhiều thành công từ viết văn cho thiếu nhi, sưu tầm truyện cổ tích, viết bút ký, phóng sự… và đặc biệt là nghiên cứu văn học, chuyên về một dòng văn học cách mạng - chiến tranh - người lính. Nói đến tên anh là người ta nghĩ đến dòng văn học này, và nói đến tên anh, cũng là nhắc nhớ những năm tháng anh là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội tiếp tục có nhiều đóng góp cho văn học chung của đất nước…

Trên tay tôi là tập sách thứ 25 của đại tá Ngô Vĩnh Bình, với tên gọi Cách mạng và người nghệ sĩ do NXB Quân đội Nhân dân xuất bản. Sách không dày, chỉ 200 trang, nhưng gói ghém trong đó một nội dung khá phong phú của dòng văn học cách mạng, từ buổi đầu “nhận đường”, qua kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và dài đến hôm nay. Trên những chặng đường đó, Ngô Vĩnh Bình say sưa kể về lớp nhà văn mặc áo lính, từ thế hệ những văn nghệ sĩ đầu quân những năm đầu kháng chiến như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Nguyễn Đình Thi… đến những văn nghệ sĩ 100% là lính và sau này là những liệt sĩ: Trần Đăng, Hoàng Lộc, Trần Mai Ninh… Ngô Vĩnh Bình thật sòng phẳng khi ghi nhận: “Sự có mặt của các văn nghệ sĩ lớp trước ở chiến khu đã tạo môi trường văn nghệ, tạo đà cho sự xuất hiện: “Lớp nhà văn trung úy” mới trong bộ đội. Đó là những nhà văn “con đẻ” của cách mạng, của kháng chiến: Chính Hữu, Hồ Phương, Hữu Mai, Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Khải, Từ Bích Hoàng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Đình Tiên, Mai Ngữ, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng…, những nhà văn đã tạo nên những tác phẩm đứng ở đầu nguồn dòng văn học cách mạng kháng chiến…”.

Cũng trong tập sách này, Ngô Vĩnh Bình tiếp tục hấp dẫn bạn đọc với nhiều chân dung nhà văn, nhà thơ là nghệ sĩ - chiến sĩ với một phong cách viết riêng của anh vừa phong phú về tư liệu, vừa đặc sắc về chi tiết, nhiều rung cảm của tình đồng đội - đồng nghiệp. Từ những tác giả còn khá lặng lẽ dù đã có tác phẩm được bạn đọc biết tới như nhà thơ Thân Như Thơ - tác giả bài thơ Tháng ba Tây Nguyên, hay những nhà văn đã có bề dày sáng tác và nhiều tác phẩm văn học xuất sắc như Ca Lê Hiến, Nam Hà, Hoàng Văn Bổn, Phạm Ngọc Cảnh, Xuân Thiều. Những dòng viết này của Ngô Vĩnh Bình bao giờ cũng trân trọng và thắm thiết, như khi ông viết về nhà văn Xuân Thiều: “Mới đây, tên tuổi của nhà văn Xuân Thiều đã vinh dự được đặt tên cho một trường tiểu học đặt tại nơi chôn nhau cắt rốn của ông - Trường Tiểu học Nguyễn Xuân Thiều (xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh), đồng thời đời ông, văn nghiệp của ông đã nêu một tấm gương, một bài học về sự say mê rèn luyện, học tập cũng như lòng trung hiếu, kiên trung với quê hương Tổ quốc. Ông xứng đáng là bậc lão thành của các mạng, của Đảng, đồng thời tên tuổi của ông cũng là niềm vinh dự của quê hương Hà Tĩnh nói chung và quê hương Bùi Xá nói riêng”.

Trong các bài viết, chuyên luận của Ngô Vĩnh Bình, khi viết về lớp nhà văn mặc áo lính, từng sống và công tác ở phố nhà binh Lý Nam Đế, những con chữ của anh lung linh lạ thường. Anh yêu quý, trân trọng họ, đánh giá về họ qua những trang sách, vần thơ… cùng những đóng góp cho dòng văn học nước nhà của họ rất công bằng, sòng phẳng và đầy ân tình. Bạn đọc yêu quý những trang viết này của Ngô Vĩnh Bình và hết sức trân trọng trái tim người lính của anh…

TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT

Tin cùng chuyên mục