Cách nghĩ khác biệt

Một năm kể từ khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân đầu tiên ở thủ đô Washington của Mỹ (ngày 12-4-2010) dưới sự chủ trì của Tổng thống B.Obama, dù các nước quyết tâm quốc tế hóa vấn đề đảm bảo an ninh hạt nhân, tiến trình này vẫn còn quá phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Trao đổi với Tân Hoa xã, Bonnie D. Jenkins, cộng tác viên của Chương trình Giảm thiểu thảm họa của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: “Sự tập trung cao độ vào vấn đề này thực sự đã giúp chúng ta tiến về phía trước. Khoảng 20 nước xem như đã thoát được chất uranium làm giàu cao nhờ chương trình trên”. Thời gian trước hội nghị năm ngoái cũng là lúc Mỹ đang trong quá trình làm việc với nhiều nước như Romania, Kazakhstan, Libya, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia để cố gắng thúc đẩy an ninh hạt nhân trên toàn thế giới.

Báo cáo được công bố gần đây của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Hiệp hội An ninh toàn cầu cho thấy, hành tinh chúng ta đang sinh sống có đủ lượng uranium để tạo ra 60.000 sản phẩm vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, mỗi quốc gia lại có mức độ nhận thức về việc đảm bảo độ an toàn của lượng uranium này không giống nhau. Hội nghị hạt nhân sắp tới sẽ được tổ chức tại Seoul vào đầu năm 2012 và vẫn gia hạn chương trình an ninh thêm một năm nữa. Một câu hỏi mà tất cả những người tham gia đều đắn đo là liệu rằng hội nghị có mở rộng hướng tập trung đến việc đảm bảo các nguồn phóng xạ hay không.

Cũng vì e ngại sự an toàn bị đe dọa trong trường hợp nguồn phóng xạ gặp trục trặc mà nhiều nơi trên thế giới đã xuất hiện các cuộc biểu tình phản đối mở rộng hệ thống nhà máy điện hạt nhân. Người dân khắp Ấn Độ trong suốt tuần qua liên tục tuần hành phản đối dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Jaitapur, bang miền Tây Maharashtra. Dân chúng ở Đức, Pháp… cũng không đồng tình với chính sách hạt nhân của chính phủ nước mình. Nhật báo Asahi của Nhật Bản cũng đã đăng bài của chuyên gia Yasuaki Oshika đưa tin về kế hoạch bí mật giải thể Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) – đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Năm nay 2011, là năm kỷ niệm 55 năm nhà máy hạt nhân đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động ở thành phố Obninsk (Nga), tròn 25 năm kể từ khi thảm họa nhà máy điện hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử nhân loại xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cộng thêm những khó khăn hiện tại từ  sự cố nhà máy Fukushima cho thấy, còn quá nhiều điều cần bàn quanh vấn đề an toàn hạt nhân.

Chất phóng xạ đang là nỗi ám ảnh người dân trên toàn thế giới. Không kiểm soát chặt chẽ, những chất phóng xạ có thể được sử dụng để chế tạo ra “bom bẩn”, vũ khí nguy hiểm và là một trong những mục tiêu mà bọn khủng bố nhắm tới. Mức độ an toàn cho hạt nhân hướng đến phục vụ cho nhân loại tới đâu? Mối lo khủng bố hạt nhân đã được phòng ngừa chặt chẽ đến mức nào?

Mặc dù ông Jenkins đã nhận định: “Hội nghị thượng đỉnh này giống như một chất xúc tác mạnh, tạo nên những thay đổi” nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, những trở ngại vẫn còn nhiều. Trở ngại lớn nhất là cách nghĩ, quan điểm bảo đảm an ninh quốc gia bằng răn đe hạt nhân quá khác biệt. Do đó, tuy đạt được một số cam kết nhất định, có vẻ tất cả vẫn chưa đủ mạnh để đảm bảo gần như tuyệt đối sự an toàn cho con người, môi trường sống cũng như ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục