Cách nhận biết và phát hiện sớm bệnh sởi

* Dịch bệnh sởi có lây truyền?

* Dịch bệnh sởi có lây truyền?

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng. Dịch thường có tính chu kỳ từ 3 - 5 năm. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vaccine sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi.

* Là bệnh lành tính hay ác tính?

Cục Y tế dự phòng xác định bệnh sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo như khác như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này. Việt Nam triển khai thành công chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1984 đến năm 2012: tỷ lệ mắc bệnh sởi giảm 830 lần.

* Ai dễ mắc bệnh sởi?

Qua điều tra dịch tễ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo bệnh sởi thường xảy ra ở những trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm, hoặc chỉ mới được tiêm một mũi vaccine ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm đủ 2 mũi (lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi) nhưng vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ nhỏ sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vaccine sởi hay chưa từng mắc sởi. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi.

* Cách phòng bệnh sởi ra sao?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Tiêm vaccine sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Không có vaccine nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vaccine sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vaccine sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng thì có thể miễn dịch bền vững suốt đời.

* Các triệu chứng thường gặp?

Sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Tuy nhiên cũng có thể chẩn đoán các trường hợp sốt phát ban khác nhầm với sởi. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, đẻ non.

* Làm gì khi trẻ mắc bệnh sởi?

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo trẻ cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh mắc bệnh cơ hội. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến BV khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.

GIA PHÚ

Tin cùng chuyên mục