Cách nhìn mới với tranh graffiti

Vùng Shibuya thuộc Tokyo, Nhật Bản, vốn được coi là “thánh địa” của giới trẻ. Các bức tường ở Shibuya trước đây phủ đầy những bức tranh graffiti của bạn trẻ trong nước và cả người nước ngoài. 

Tuy nhiên, Ken Hasebe, Thị trưởng Shibuya, vừa thông báo: “Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Sinh ra và lớn lên ở Shibuya, ông Hasebe mô tả graffiti là một “vấn đề lớn” đối với khu vực.

Cách nhìn mới với tranh graffiti ảnh 1 Thị trưởng vùng Shibuya bên cạnh dự án Mũi tên Shibuya
Nhưng ông thị trưởng cũng hiểu rằng, nghệ thuật đường phố có thể mang lại tác động mạnh mẽ. Graffiti và nghệ thuật đường phố có lịch sử lâu đời ở Nhật Bản. Trong vài năm gần đây, Shibuya có một dự án nghệ thuật độc đáo, đáp ứng niềm đam mê vẽ nơi công cộng của giới trẻ. Vậy là hàng loạt tác phẩm theo phong cách graffiti xuất hiện ở các địa điểm xung quanh khu phố. Vấn đề là làm sao cân bằng giữa khuyến khích thể hiện sáng tạo và bảo vệ những bức tường khỏi các nét vẽ phá hoại. 

Bắt kịp xu hướng này, các nghệ sĩ vẽ tranh tường như Imaone, Suiko thành lập nhóm có THA (Truth in the Huge Area/ Sự thật ở khu vực lớn). Suiko từng bị cảnh sát bắt khi vẽ bậy ở Hiroshima. Để yên ổn, hàng xóm đã “tặng” bức tường để anh có thể vẽ trên đó một cách hợp pháp. Từ đó, Suiko gặt hái được nhiều thành công quốc tế, được Disney và Coca-Cola mời làm việc, cũng như sơn toàn bộ bên ngoài của Bảo tàng Thiên văn Okayama.

Suiko, Imaone và bạn chung là Fate, một nghệ sĩ đường phố nổi tiếng khác chuyên vẽ graffiti, đã được mời tham gia Lễ hội Bích họa London, khai mạc hồi tháng 9, cùng hơn 150 nghệ sĩ khắp thế giới, vẽ tầm 50 bức tường lớn xung quanh thủ đô của Anh. Bộ ba dành khoảng một tuần thực hiện một bức tranh tường ở khu vực Peckham của London.

Thị trưởng Hasebe cũng dần thay đổi khi chấp nhận nghệ thuật đường phố dưới hình thức dự án Mũi tên Shibuya, một sáng kiến sử dụng các bức tranh tường và tác phẩm sắp đặt vì mục đích an toàn cho cộng đồng. Shibuya chỉ có dân số khoảng 230.000 người, nhưng lượng du khách hàng ngày đến đây rất đông, thậm chí có thể tăng gấp 3 lần cư dân địa phương. Khi có sự cố (như động đất) xảy ra, hầu hết du khách không biết nên tìm nơi trú ẩn ở đâu. Để hỗ trợ du khách, chính quyền địa phương đã sử dụng graffiti thể hiện hướng trú ẩn ở Công viên Yoyogi và Đại học Aoyama Gakuin.

Chính quyền Shibuya đã mời 11 nghệ sĩ các lĩnh vực như thiết kế đồ họa, manga và nghệ thuật hiện đại để tô điểm 6 địa điểm xung quanh khu phố bằng các họa tiết mũi tên theo các phong cách khác nhau. Các tác phẩm miêu tả từ những nhân vật hoạt hình tinh nghịch xếp trên các bức tường của một đường hầm dưới đường sắt đến một tác phẩm sắp đặt “cây mũi tên” lớn vươn ra khỏi vườn thực vật. Ông Hasebe cho biết, dự án Mũi tên Shibuya là bằng chứng cho thấy công chúng đang bắt đầu chú ý đến giá trị của nghệ thuật đường phố và thực tế là loại hình nghệ thuật này đang phát triển hơn bao giờ hết.

Tin cùng chuyên mục