Báo Sài Gòn giải phóng ngày 25-9 cho biết “Cả nước đã đơn giản hóa 3.248 thủ tục hành chính (TTHC), đạt 68% trong tổng số TTHC phải đơn giản hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả cấp lãnh đạo chưa thấy hết vai trò công tác cải cách TTHC trong việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị.
Nhiều trường hợp còn bảo thủ, cố tình níu kéo, duy trì các quy định cũ, do vậy việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC theo 25 nghị quyết của Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm trễ”.
Theo tôi, một trong những TTHC cần được sửa đổi đó là tờ khai lý lịch của cán bộ, công chức nhà nước. Theo biểu mẫu 2a/TC-TW của Ban Tổ chức Trung ương ấn hành năm 1996, tôi thấy có một số mục rất khó xác định như quê quán. Đối với những gia đình đã rời xa quê hương từ đời ông, đời cha, nay đến đời cháu, họ sẽ khai quê quán ở đâu? Nếu như lấy quê quán của ông, cha để khai quê quán của con cháu, liệu có phù hợp không? Có cần thiết phải thêm mục nơi sinh: xã, huyện tỉnh không khi đã có mục quê quán: xã, huyện, tỉnh?
Có cần thiết phải tách mục trình độ học vấn làm hai phần văn hóa phổ thông (lớp) và chuyên môn kỹ thuật? Đã có mục lịch sử bản thân còn thêm mục những đặc điểm về lịch sử bản thân làm gì? Có cần thêm các mục: gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam; tham gia các tổ chức chính trị, xã hội, các hội nghề nghiệp… Đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính tri, ngoại ngữ, khi mục sơ yếu lý lịch đã có yêu cầu?
Cuối cùng là mục quan hệ xã hội, phải khai những người có quan hệ chặt chẽ, thân thiết với bản thân và gia đình. Thế nào là có quan hệ chặt chẽ, thân thiết với bản thân và gia đình? Có phải đó là bạn bè, người làm chung cơ quan hay người cùng tổ dân phố, khu phố? Liệu các mối quan hệ chặt chẽ, thân thiết đó có ảnh hưởng đến đạo đức, phẩm chất, lối sống của cán bộ công chức không?
B.H.