Cải cách tiền lương - Bắt đầu từ xóa “thu nhập ngầm”

Hệ lụy lương thấp
Cải cách tiền lương - Bắt đầu từ xóa “thu nhập ngầm”

Mạnh dạn cải cách chế độ tiền lương, đổi mới tư duy đào tạo, thay đổi cách đối xử với người tài là những nội dung đầy tâm huyết mà các nhà khoa học đã gửi gắm trong hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của kinh tế Việt Nam và hội nhập toàn cầu” do Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM tổ chức ngày 12-4.

Công nhân làm việc tại Công ty Juki (KCX Tân Thuận). Ảnh: Việt Dũng

Công nhân làm việc tại Công ty Juki (KCX Tân Thuận). Ảnh: Việt Dũng

Hệ lụy lương thấp

“Nói về hệ thống tiền lương trong khu vực công, có lần người quen tôi nói vui thế này: Ở nước ta, Nhà nước giả vờ trả lương cho người lao động và vì vậy, người lao động cũng giả vờ làm việc cho Nhà nước. Kết quả là 2 bên đều giả vờ với nhau…” – PGS-TS Trần Văn Thiện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực Trường Đại học Kinh tế TPHCM mở đầu phần phát biểu đầy hóm hỉnh.

Ông chứng minh: “Nói như vậy vì không ở đâu trên thế giới như ở Việt Nam, lương của những người đứng đầu nhà nước không quá 10 triệu đồng/tháng, tức khoảng 500 USD. Cấp bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, vụ trưởng, vụ phó, các giám đốc sở, ngành rồi các giáo sư, tiến sĩ… đều có lương thấp hơn mức đó. Tuy mức lương không cao nhưng một bộ phận không nhỏ cán bộ trong bộ máy công quyền sống trên mức phong lưu của xã hội. Nghịch lý đó ai cũng thấy nhưng đến nay vẫn tồn tại”.

Nhìn lại giai đoạn từ 2003-2011, Nhà nước đã 7 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu. “Trong 8 năm, lương tối thiểu tăng 2,95 lần nhưng nếu tính tới chỉ số lạm phát và mức tăng giá tiêu dùng thì lương tối thiểu thực tế chỉ tăng hơn 0,05 lần (5,14%). Tính ra trung bình mỗi năm, lương tối thiểu chỉ tăng 0,64%. Nếu xem tiền lương là một khoản đầu tư để phát triển nguồn nhân lực thì tốc độ tăng lương như vậy là quá thấp, quá bất hợp lý. Cải tiến tiền lương đơn giản chỉ là tăng thêm mức lương tối thiểu, điều chỉnh phụ cấp. Lâu nay chúng ta chỉ mới cải tiến chứ chưa cải cách tiền lương” – PGS-TS Trần Văn Thiện nói.

Từ thực tế đó, ông đề xuất: Đã đến lúc Chính phủ cần tiến tới một hệ thống lương thực trả, hướng đến mục tiêu - tiền lương bằng hoặc gần bằng thu nhập, xóa dần sự tồn tại của “thu nhập ngầm”. Mục tiêu chủ yếu là xây dựng được một luật chơi sao cho mọi người đều bình đẳng. Người có năng lực phải được trả lương cao hơn. Lương thấp chính là mảnh đất màu mỡ để gieo mầm và phát triển nạn tham ô, tham nhũng, nạn cán bộ công chức làm việc vô cảm”.

PGS-TS Trần Văn Thiện nhấn mạnh: Đào tạo tốt, tuyển dụng tốt, bố trí tốt nhưng lương không tốt thì không bao giờ có được nguồn ngân lực chất lượng cao”.

Bất cập chiến lược sử dụng nhân tài

GS-TS khoa học Nguyễn Văn Sơn đem đến hội thảo một câu chuyện đầy trăn trở: “Tôi có đứa cháu tốt nghiệp tiến sĩ toán ở Canada, hiện về nước, làm ở viện toán của giáo sư Ngô Bảo Châu. Lương của cháu chỉ xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng. Nó gắn bó với viện toán vì say mê toán. May mà nó còn có vợ nuôi. Cô vợ là giáo viên dạy Anh văn, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng”.

TS - luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định tiếp lời: Rõ ràng, chính sách đối xử với trí thức chất lượng cao của chúng ta hiện vẫn mang tính chất “mặt trận” nhiều hơn chứ chưa thực sự có một chiến lược sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Trường hợp của GS Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Ta chỉ mới dừng lại ở việc khơi gợi kích thích tinh thần hiếu học của giới trẻ chứ thực chất vẫn chưa sử dụng GS Ngô Bảo Châu đúng tầm mức.

Có một nghịch lý là nhiều nơi trong nước rất thích sử dụng người nước ngoài nhưng lại còn khá e dè khi sử dụng nguồn trí thức, lao động chất lượng cao là Việt kiều. Đội ngũ Việt kiều có thế mạnh về kiến thức, chuyên môn bậc cao, nhất là Việt kiều thế hệ thứ 2, thứ 3 đang rất cần đất dụng võ tại quê nhà. “Nếu không tay đổi tư duy thu hút và sử dụng nhân tài theo hướng thực chất hơn, hiệu quả hơn bằng ưu đãi thiết thực về thu nhập, môi trường làm việc công bằng, thủ tục xuất nhập cảnh thông thoáng, Việt Nam sẽ mãi vẫn chỉ là chốn dừng chân nghỉ dưỡng lúc cuối đời của những Việt kiều già mà thôi” TS - luật sư Nguyễn Đăng Liêm nói.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục