Cái cốt lõi là nâng cao vị trí, vai trò, chức năng người lãnh đạo

Nhiều người đã có thái độ ngán ngẩm thốt lên: Tinh thần tôn sư trọng đạo bây giờ ở đâu, còn hay mất?, cường điệu hơn, có người nói: “Chưa bao giờ nghề giáo trở thành nghề nguy hiểm như bây giờ”.
Ngay từ đầu năm 2018 nhiều sự cố liên tiếp xảy đến cho ngành giáo dục. 

Mở đầu là chuyện cô giáo lớp 4/3, trường tiểu học Bình Chánh (Long An) bị phụ huynh bắt quỳ xin lỗi. Tiếp theo là cô giáo bị một nam học sinh lớp 8, trường THCS Tân Thạch (Bến Tre) bóp cổ tại lớp. Rồi cô giáo trường Mầm non Việt-Lào (Nghệ An) bị phụ huynh bạo hành đến dọa sẩy thai. Và ngày 5-4, một thầy giáo bị học sinh lớp 12A6, trường PTTH Trần Hưng Đạo (Quảng Bình) đâm trọng thương.

Dư luận xã hội không ngớt phê phán hành vi thô bạo của phụ huynh và học sinh đối với thầy cô giáo. Họ thay vì được người đời trân trọng và biết ơn, thì lại bị đối xử một cách thiếu đạo đức, thiếu văn minh lịch sự như vậy.

Nhiều người đã có thái độ ngán ngẩm thốt lên: Tinh thần tôn sư trọng đạo bây giờ ở đâu, còn hay mất?, cường điệu hơn, có người nói: “Chưa bao giờ nghề giáo trở thành nghề nguy hiểm như bây giờ”.

Nhìn chung, góc nhìn xã hội trước những sự cố luôn luôn nghiêng hẳn về cho những người mang thiên chức dạy người thông qua dạy chữ.

Nhưng rồi, chuyện cô giáo dạy toán trường PTTH Long Thới (TPHCM), cả một học kỳ chỉ chép bài, không nói chuyện, không giao tiếp bình thường… với học sinh. Và rồi, cô giáo trường tiểu học An Đồng (Hải Phòng) bắt học sinh lớp 3 uống nước vắt từ giẻ lau bảng vừa mới đây, một lần nữa lại hướng dư luận xã hội phản ứng theo chiều ngược lại.
Cái cốt lõi là nâng cao vị trí, vai trò, chức năng người lãnh đạo ảnh 1 Cô giáo Trần Thị Minh Châu (trái), giáo viên dạy môn Toán bị học sinh phản ảnh "suốt 3 tháng lên lớp không nói gì với học sinh"
Ngành giáo dục nước nhà lại dồn dập tai tiếng. Ai đúng ai sai, lỗi nặng lỗi nhẹ, thì đã có qui chế ngành và luật pháp nhà nước xử lý. Tôi muốn nói đến một định hướng giáo dục có tính căn cơ và bền vững. Tất nhiên cần một thời gian nhất định và cần cơ quan cũng như con người đột phá. Không thể đòi hỏi cùng một lúc một cách kinh điển và thiếu thực tiển từ nhiều phía. Một tư tưởng và hành vi thống nhất giữa người lãnh đạo hay quản lý cơ quan nhà nước, phụ huynh, thầy cô giáo, học sinh để giải quyết đồng bộ thực trạng; khi mà tất cả những thành tố này luôn luôn là những xung lực trong ma trận giáo dục. Cái cốt lõi đầu tiên là nâng cao vị trí, vai trò chức năng người lãnh đạo ngành, người quản lý cơ quan.  Theo tôi trước hết, những người mang trọng trách phải rất coi trọng ý thức trách nhiệm của mình. Họ phải có cách hành xử đúng chuẩn mực, có lòng tự trọng, lòng dũng cảm và danh dự đi cùng theo ý thức trách nhiệm để nêu gương.  Năm 2005, chỉ vì một binh sĩ xả súng bắn chết đồng đội mà ông Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc lúc đó phải từ chức. Thật ra ông Bộ trưởng này không nhất thiết phải làm như vậy vì trách nhiệm ngoài tầm kiểm soát của của ông. Tuy vậy, ông vẫn làm, có lẽ là để truyền ngọn lửa ý thức trọng trách cho những người kế tục. Song song theo đó là cách đào tạo và tuyển dụng. Khi tuyển dụng thầy cô giáo, không thể chỉ cần kiến thức chuyên môn mà trước khi bước chân vào ngành, họ phải được trắc nghiệm một số điều kiện kèm theo như lòng yêu nghề, mến trẻ, sự quan tâm thấu hiểu, lòng khoan dung độ lượng. Nếu có thể là cả sự hy sinh, “tất cả vì học sinh thân yêu”. Có như vậy, họ mới có thể dễ dàng vượt qua tất cả trở lực để hoàn thành một cách tốt nhất thiên chức của mình. Sự thiếu kiểm soát, kềm chế tình cảm của phụ huynh là một hành vi nhất thời trước áp lực không đáng có của những người thân trong gia đình hoặc xã hội; cũng như những nông nỗi của học sinh không phải là bản chất của các em. Tất cả hai hành vi thiếu đạo đức của phụ huynh và học sinh sẽ không thể phát sinh được khi mà những điều cốt lõi như “đạo đức và trách nhiệm” của người lãnh đạo ngành, người quản lý cơ quan cũng như người thầy là một tấm gương luôn hiển hiện trước mắt họ. Tôi rất không đồng tình khi có ai nói đến tinh thần tôn sư trọng đạo không còn nữa, cũng như bi quan và vô căn cứ cho rằng, chưa bao giờ nghề giáo trở thành nghề nguy hiểm như bây giờ.  

Tin cùng chuyên mục