Cái khó của chủ tịch EC

Cuối cùng, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz sẽ đại diện cho Đảng Dân chủ xã hội trở thành ứng cử viên chính thức chạy đua cho vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) mà ông José Manuel Barroso đang nắm giữ. Không ngần ngại đưa ra thông điệp “chính trị hóa EC” trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đầy mâu thuẫn, ông Martin Schulz càng làm cho các cuộc bầu cử châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 5-2014 nóng lên từng ngày.

Theo quan điểm riêng, ông Martin Schulz muốn quyền phân phối lao động phải được giao cho đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Ngoài ra, ông đề xuất việc thừa nhận lực lượng phản biện EC. Chủ tịch thường trực Hội đồng Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy nhận định, dù đây là ý tưởng hay vì thể hiện rõ bản chất của EC là hoạt động không phụ thuộc vào quốc gia mà chỉ vì quyền lợi chung của EU nhưng không thích hợp. Không thích hợp vì nội bộ EU đã quá đủ mâu thuẫn về cứu trợ tài chính, chính sách thắt lưng buộc bụng, tham nhũng tràn lan… Chỉ mới tháng trước, tuyên bố xem xét khoản chi bổ sung khẩn cấp trị giá 3,7 tỷ USD cho ngân sách năm 2013 của EU được ông Martin Schulz đưa ra đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hội đồng châu Âu. Nhưng mặt khác, nó phù hợp vì bảo đảm quyền lợi của người Đức. Việc đề xuất của ông Martin Schulz cuối cùng lại dẫn về mục tiêu tạo thị trường cho người lao động, nâng mức lương tối thiểu, bảo đảm lợi ích quốc gia. Nếu chiến thắng, ông Martin Schulz sẽ giúp Berlin mau chạm đến 2 mục tiêu: liên minh ngân hàng châu Âu và tiến trình thành lập một ngân sách chung châu Âu.

Là người Đức, Martin Schulz muốn thay thế cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha José Manuel Barroso, đến từ Tây Ban Nha. Đức được tạo điều kiện phát huy nhiều lợi thế cạnh tranh trong các lĩnh vực như công nghệ và công nghiệp. Bên cạnh đó, từ phía EC, họ cho rằng nền kinh tế lớn nhất eurozone này cũng nên nỗ lực hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho phép các quốc gia khác phát triển. Nước Đức vẫn là nền kinh tế mạnh, dẫn đầu lèo lái trong cơn khủng hoảng châu Âu. Họ vẫn muốn khẳng định quyền chi phối mạnh trong liên minh, dĩ nhiên không để thay thế đặc quyền này. “Chiếc ghế nóng” Chủ tịch EC vì thế không có sự tham gia chạy đua của Thủ tướng Phần Lan Jyrki Kattainen hay Thủ tướng Ireland Enda Kenny. Họ không muốn lâm vào thế “khó nói” với cử tri của mình. Cử tri Phần Lan phản đối cứu trợ tài chính, còn cử tri Ireland vẫn rầm rộ xuống đường phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng. EC được xem là thể chế có tính độc lập với các quốc gia, vì quyền lợi chung của EU nhưng thực tế không phải vậy.

Ông Barroso, qua đánh giá của cộng đồng quốc tế, vẫn chưa có những thành tích nổi bật trong giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng nợ công châu Âu. Việc ông được thay thế không còn phải bàn cãi. Trong khi các đảng khác trong Nghị viện châu Âu đang chọn ứng cử viên thì điều được mong chờ nhất là những gương mặt mới, đảm bảo quyền lợi chung cho EU rõ ràng nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế đã khẳng định, tìm một người trung lập để lãnh đạo EC là quá khó. Tờ Washington Post nhận định, thông điệp của ông Martin Schulz cũng chính là thông điệp của các ứng cử viên Chủ tịch EC dự kiến “lộ diện” trong thời gian tới. Dù sao họ vẫn muốn bảo vệ lợi ích quốc gia.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục