Cái khó của phụ thuộc

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 20-11 tuyên bố Ankara không nên “lưu luyến” việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và cân nhắc lại ý định gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tổng thống Erdogan đưa ra tuyên bố trên sau khi hy vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài nhiều thập kỷ qua đã rơi xuống mức thấp nhất do những diễn biến sau cuộc đảo chính bất thành hồi trung tuần tháng 7 vừa qua.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị gia nhập EU vào năm 1987 và các cuộc đàm phán gia nhập liên minh này chỉ được bắt đầu vào năm 2005. Tiến trình gia nhập EU này vốn đã rất khó khăn lại vấp phải trở ngại mới khi EU chỉ trích gay gắt hành động trấn áp của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào những người mà Ankara cho là có liên quan đến cuộc đảo chính bất thành vào đêm 15-7. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhiều lần thể hiện sự không hài lòng với hành động này của EU. Trước đó, Tổng thống Erdogan đã vài lần đề cập đến kế hoạch Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập SCO, một động thái có thể chấm dứt nỗ lực gia nhập EU suốt thời gian dài vừa qua của chính quyền Ankara.

Thậm chí, quá bực bội với sự chậm trễ về một tiến trình từ năm 2005, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây nói cả về trưng cầu dân ý để cho người dân tự quyết định. Đây cũng có thể hiểu là cách gây áp lực đối với EU, vốn không muốn phá vỡ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này đã trở thành đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu.

Về phần mình, Brussels đã chỉ trích báo cáo gần đây nhất của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9-11 về tiến độ thực hiện các tiêu chí cho phù hợp với các thành viên trong EU, đặc biệt liên quan đến tự do ngôn luận và pháp quyền, nhất là sau đảo chính bất thành vào giữa tháng 7.

Tuy nhiên, ngay cả khi một số nước có tiếng nói trong EU công khai chỉ trích gay gắt Tổng thống Erdogan vi phạm quyền con người thông qua các vụ bắt bớ, thanh trừng, Brussels vẫn ủng hộ tiếp tục đàm phán. Aykan Erdemir, người của Quỹ Bảo vệ dân chủ có trụ sở tại Washington, cho rằng Brussels cũng ngần ngại không muốn tuyên bố tạm ngừng tiến trình gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ vì tiến trình này “được coi là một trong số ít các đòn bẩy của EU để kiềm chế sự chuyên quyền của ông Erdogan”. Còn Roy Karadak, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bremen tại Đức, thì cho rằng quy mô trừng phạt sau cuộc đảo chính cũng cho thấy cái kết của tiến trình gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ, không một lãnh đạo châu Âu nào có thể tin tưởng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn của Tổng thống, Ibrahim Kalin mới đây còn khẳng định trên tờ Daily Sabah rằng gia nhập EU là mục tiêu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ, rằng các cuộc đàm phán cần được thúc đẩy chứ không phải dừng  lại.

Tổng thống Erdogan từng dọa không có sự hợp tác của mình, châu Âu sẽ ngập dân tị nạn. Tuy nhiên, mặc dù những lời lẽ thách thức thường xuyên được thốt ra nhưng theo chuyên gia phân tích Erdemir ở Washington, ông Erdogan thừa thông minh để hiểu 85% đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Thổ Nnĩ Kỳ đến từ phương Tây. Tương tự, nhà phân tích rủi ro chính sách của Verrisk Maplecroft nhận xét trong khi kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy giảm trầm trọng, cắt đứt đàm phán với EU có thể là đòn đau đánh vào quan hệ thương mại với châu Âu cũng như đầu tư trực tiếp từ châu Âu. Vì vậy, phụ thuộc kinh tế vào EU có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiết chế ít nhiều.

VIỆT KHUÊ

Tin cùng chuyên mục