Sáu tháng qua, giá dầu giảm đã tạo ra cơn chấn động với kinh tế toàn cầu, bên cạnh các ý kiến bi quan cho rằng giá dầu giảm khiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu giảm mạnh, tác động đến giá trị đồng tiền, tăng thâm hụt ngân sách ở một số quốc gia, cũng có nhận định lạc quan rằng giá dầu giảm tạo trợ giúp cần thiết đối với hoạt động tiêu dùng và sản xuất. Mạng tin Stratfor mới đây dự đoán giá dầu thấp có lợi cho sự hội nhập của Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Giá năng lượng rẻ tạo động lực cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất giúp cải thiện thương mại khắp khu vực. Chi phí năng lượng thấp, thậm chí có thể giúp các chính phủ thúc đẩy cải cách chính trị và pháp lý để nâng cao tính minh bạch và bền vững cho các nhà đầu tư nước ngoài - một tiền đề quan trọng cho hội nhập kinh tế khu vực ASEAN thành công. Trong dự báo hàng năm, Stratfor cho rằng năm 2015 có thể là một năm bước ngoặt đối với khu vực Đông Nam Á. Khi nền kinh tế gia công của Trung Quốc đang tìm hướng cải cách cơ cấu và dịch chuyển lên chuỗi giá trị cao hơn, tiền lương và áp lực chính sách ở các tỉnh duyên hải Trung Quốc, sẽ thúc đẩy dòng đầu tư sản xuất gia công sang các nền kinh tế Đông Nam Á, nhất là Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Indonesia là nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng lớn nhất Đông Nam Á. Indonesia sẽ cảm nhận được tác động của giá năng lượng thấp trong năm 2015, dù mức độ tác động sẽ khác nhau giữa các khu vực và ngành kinh tế. Năng lượng rẻ hơn sẽ là một lợi thế cho đảo Java, nơi chiếm 70% dân số Indonesia và 4/5 số nhà máy được đặt trên hòn đảo này, chưa kể đến thị trường ô tô lớn nhất và các tổ hợp nhà máy lọc dầu lớn. Đảo Java hầu như không có than và sản lượng dầu cũng hạn chế, do đó tác động tiêu cực từ việc giá dầu giảm ở mức tối thiểu.
Tại Philippines, nơi sản xuất chưa đến 20.000 thùng dầu mỗi ngày trong khi nhập khẩu hơn 300.000 thùng dầu thô và các sản phẩm lọc dầu, giá dầu rẻ là nhân tố tích cực với nước này, đặc biệt khi Philippines không thực hiện việc trợ giá điện và nhiên liệu. Giá năng lượng thấp cũng là lợi ích ròng đối với Singapore, nước phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và dầu mỏ để sản xuất điện. Singapore tiếp tục được hưởng lợi từ thương mại dầu mỏ mạnh mẽ ở khu vực khi Trung Quốc tận dụng giá dầu thấp, tăng cường mua dầu dự trữ. Tương tự như vậy, giá dầu giảm cũng có lợi cho Lào, Campuchia phải nhập khẩu toàn bộ dầu để tiêu thụ trong nước. Trong trường hợp của Việt Nam, lợi ích của năng lượng rẻ hơn cho ngành công nghiệp và tiêu dùng sẽ lớn hơn so với sự sụt giảm nguồn thu của chính phủ và cũng không tác động đáng kể đến nỗ lực thăm dò và sản xuất dầu. Thái Lan cũng hưởng lợi nhiều từ giá dầu giảm, với khoảng 10% GDP phải chi cho nhập khẩu dầu năm 2014, lợi ích của giá dầu giảm đối với ngành công nghiệp Thái Lan và người tiêu dùng sẽ rõ rệt hơn trong năm 2015. Kết hợp với các nhân tố khác từ giá năng lượng giảm sẽ tạo động lực thúc đẩy hoạt động kinh tế của Thái Lan trong năm 2015. Ngoài ra, ngay cả khi năng lượng rẻ không có khả năng thúc đẩy sự hồi sinh của nền kinh tế Thái Lan, nó sẽ tạo cơ hội cho giới cầm quyền Thái Lan có thêm công cụ chống lại bất ổn kinh tế và xã hội ở nước này.
Trong năm 2015, hầu hết các nước khu vực Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi từ áp lực đi xuống của giá dầu và khí đốt tự nhiên thấp đối với ngành vận tải, hàng tiêu dùng và các hàng hóa khác, những lợi ích từ giá dầu thấp đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và các chính phủ trong khu vực sẽ lớn hơn những rủi ro đối với hoạt động đầu tư, thăm dò và sản xuất năng lượng.
VIỆT ANH