Cải thiện chuỗi cung ứng toàn cầu giữa các đồng minh

Mỹ và 17 nước đồng minh đã nhất trí tăng cường phối hợp để cải thiện và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nỗ lực này nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu từng gây cản trở hoạt động kinh tế trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. 

Đây là kết quả của hội nghị Diễn đàn Bộ trưởng nguồn cung do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Thương mại nước này là Gina Raimondo đồng tổ chức. Tham dự hội nghị trực tuyến này có đại diện của Liên minh châu Âu, nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức...; châu Mỹ có Canada, Brazil; châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và CHDC Congo đại diện cho châu Phi. 

Tuyên bố chung của hội nghị đã nêu rõ cú sốc đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu mà nguyên nhân dẫn đến đứt gãy các chuỗi này bao gồm các yếu tố đan xen phức tạp như hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, đại dịch Covid-19, thiếu hụt nguồn cung và nhân lực, chiến tranh thương mại, xung đột địa chính trị… Qua đó cho thấy nhu cầu cấp bách cần tăng cường hơn nữa các chuỗi cung ứng và hoạt động nhằm làm giảm, tiến tới chấm dứt tình trạng gián đoạn ngắn hạn, cũng như tạo dựng khả năng chống đỡ lâu dài. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí hợp tác để tìm giải pháp cho các vấn đề ngắn hạn như vận tải, tình trạng gián đoạn và tắc nghẽn của chuỗi cung ứng; đồng thời, tìm giải pháp đối với những thách thức dài hạn khiến chuỗi cung ứng thế giới dễ bị tổn thương và gây ra lạm phát, tác động tới người tiêu dùng, doanh nghiệp... Các đại biểu cũng nhất trí nhiều mục tiêu bao gồm tăng cường tính minh bạch của thông tin thương mại, đa dạng hóa các nguồn, tăng tính bảo mật và bền vững của chuỗi cung ứng.

Kết quả của hội nghị cho thấy sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước đồng minh còn để giảm phụ thuộc hoặc tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại hoặc các đòn trừng phạt lẫn nhau giữa các nền kinh tế do mâu thuẫn địa chính trị.

Theo giới phân tích, đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn địa chính trị đưa đến xu hướng co cụm hợp tác trong từng khối lớn. Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đang tìm kế hoạch xây dựng quyền tự chủ kinh tế của chính mình, không còn ủng hộ vô điều kiện toàn cầu hóa và tự do thương mại như trước. Trong thời gian tới, sự cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng sẽ diễn ra quyết liệt hơn, nhất là giữa các nước đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ nhân lực, công nghệ… và do đó, việc tái cơ cấu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng qua việc đa dạng hóa nguồn cung, mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp là tất yếu.

Tin cùng chuyên mục