Cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư

Theo dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, quan điểm phát triển kinh tế Việt Nam từ 2011 – 2020 là “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau…”.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo tôi, cần phải tập trung phát triển kinh tế vùng trọng điểm và hạt nhân kinh tế trọng điểm. Bởi lẽ, mục tiêu của hạt nhân kinh tế trọng điểm là hỗ trợ cho cả vùng kinh tế trọng điểm phát triển. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp các địa phương lân cận cộng với vị trí hạt nhân trọng điểm sẽ tạo động lực phát triển của toàn vùng. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước.

Để phát triển vùng kinh tế trọng điểm, theo tôi cần phải xây dựng cơ chế phối hợp, điều phối giữa các vùng miền trong vùng kinh tế trọng điểm, đảm bảo phát triển đồng bộ, hài hòa và tạo động lực mới cho sự phát triển của toàn vùng.

Phải xác định phát triển ngành nghề cho từng vùng kinh tế trọng điểm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng miền. Khuyến khích các khu công nghiệp - doanh nghiệp có giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động trong vùng kinh tế hạt nhân ra các vùng lân cận nhằm tránh tình trạng dân số tập trung ở địa phương có nền kinh tế phát triển mạnh như TPHCM, Hà Nội. Đây là giải pháp hạn chế di dân tự do vào TP ngày càng đông, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng vốn còn yếu kém.

Thực tế, sự gia tăng dân số cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao đã làm cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội quá tải nghiêm trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tình trạng ô nhiễm môi trường của những TP lớn.

Theo tôi, phải xây dựng cơ chế thông thoáng, phát triển linh hoạt nhưng có sự kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, cần xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút nguồn vốn FDI phát triển kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, nguồn vốn FDI sẽ góp phần tái cấu trúc các ngành kinh tế, kích thích tăng trưởng, cung cấp vốn, nguồn ngoại tệ bổ sung và công nghệ mới, kỹ năng quản lý mới cho đất nước.

Việc quy hoạch, định ra các điều kiện ưu đãi, hình thức đầu tư phải xây dựng trên những thông tin cơ bản như giá thuê đất, quy mô đầu tư, nguồn nguyên liệu… Trong quá trình quy hoạch, phải tính tới khả năng tham gia góp vốn của các doanh nghiệp trong nước, nhằm phát huy nội lực song song với việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Đẩy mạnh xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật để gọi vốn đầu tư phát triển kinh tế đất nước cũng là điều cần thiết. Với một kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, hiện đại của hệ thống giao thông, vận tải, thông tin liên lạc, dịch vụ, thể chế kinh tế… sẽ đảm bảo các nhà đầu tư thực hiện việc luân chuyển vốn nhanh, kịp thời ứng phó với thị trường và tránh được những thiệt hại không đáng có do cơ sở hạ tầng yếu kém gây nên. Đây cũng là vấn đề hàng đầu được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. 

TS NGUYỄN THỊ MỸ DUNG
(Trường Đại học Ngân hàng TPHCM)

Tin cùng chuyên mục