Ở Việt Nam, tài nguyên nước đang chịu những áp lực ngày càng lớn bởi quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay đã làm phát sinh những mâu thuẫn trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Thêm vào đó là sự khai thác, sử dụng thiếu ý thức và thiếu sự kiểm soát tài nguyên nước mặt và nước ngầm đã khiến cạn kiệt, khan hiếm nguồn nước.
Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ ở nước ta đang làm suy thoái nguồn nước; trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý các vấn đề ô nhiễm chưa được coi trọng thỏa đáng. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh… ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống và khả năng tiếp cận nguồn nước sạch của người dân.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường. Việt Nam đang đứng trước thực trạng nước sông, nước ngầm suy giảm đáng kể hoặc cạn kiệt, mực nước biển, triều cường và xâm nhập mặn gia tăng… ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp nước cho đời sống, sản xuất. Không những vậy, sự thiếu hiểu biết và thiếu những biện pháp phòng chống ô nhiễm cần thiết cũng làm cho tài nguyên nước suy thoái thêm về chất lượng. Việc xả nước thải sản xuất công nghiệp chưa được xử lý vào sông rạch, ao hồ gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm. Có nơi còn cho nước thải chảy tràn để tự thấm xuống đất hoặc đào các hố để xả nước thải làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tầng nước dưới đất. Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng gây ra những ô nhiễm đáng kể. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải; phần lớn xả vào ao hồ, bể tự hoại để thấm vào đất, dễ gây ô nhiễm môi trường, đặt biệt là nguồn nước ngầm… Hệ thống tưới tiêu và hình thức tưới tiêu không hợp lý cũng là nguyên nhân gây thất thoát lưu lượng nước lớn trong ngành trồng trọt.
Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện nguồn nước, cũng như gia tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này để đạt mục tiêu đến giai đoạn 2020-2025, tăng tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân đô thị đạt 100%. Để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra. Đồng thời, Chính phủ cũng đang đẩy mạnh xúc tiến, kết nối hợp tác với nhiều đối tác quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ, chung tay của quốc tế trong việc sử dụng, bảo vệ và phát triển nguồn nước. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế được xem là giải pháp tiên quyết cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Eliane Van Doorn, Giám đốc Phát triển kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Công ty UBM Asia, cũng cho biết bảo vệ nguồn nước và phát triển nguồn nước bền vững là nhu cầu cấp bách hiện nay của Việt Nam. Để có thể bảo vệ tài nguyên nước bền vững, ngoài các giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức sử dụng và bảo vệ nguồn nước, một giải pháp nữa mà Việt Nam cần quan tâm là đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác với các đối tác có nền công nghệ phát triển để từ đó có được nguồn vốn ổn định đầu tư cho các dự án cấp nước, xử lý nước đạt hiệu quả cao, giảm thất thoát trong quá trình sử dụng nước.