Cải tổ Liên hiệp quốc - nhìn từ thế giới hiện tại

Không phải ngẫu nhiên mà những đề xuất cải tổ Liên hiệp quốc (LHQ) do Mỹ đề xuất được khoảng 130/193 thành viên đồng ý. Trong số đó có các nước lớn như Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và Brazil.

Phát biểu trước kỳ họp thứ 72 Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chương trình cải cách nhằm tăng thêm quyền cho Tổng thư ký LHQ và giảm bớt tình trạng quan liêu, trì trệ - vốn đã cản trở tiềm năng to lớn của LHQ.

Theo báo Economic Times, Ấn Độ đã ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump cải cách LHQ và nói rằng, cần bao gồm việc mở rộng các thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ để theo kịp những thay đổi của thế giới.

Cải tổ Liên hiệp quốc - nhìn từ thế giới hiện tại ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại kỳ họp thứ 72 Đại hội đồng LHQ. Ảnh: REUTERS 

Đồng quan điểm với Ấn Độ, tờ Japan Times trích lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc hội đàm với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ở New York vào ngày 19-9 rằng, Nhật Bản “ủng hộ hoàn toàn nỗ lực cải tổ LHQ nhưng cải cách sẽ không triệt để nếu không có cải cách của HĐBA LHQ”.

Nhật Bản hiện đang là thành viên không thường trực trong HĐBA LHQ (kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 12) nhưng từ lâu nước này đã muốn có chân trong một HĐBA LHQ mở rộng cùng với Brazil, Đức và Ấn Độ.

Mặc dù lần này không tham dự kỳ họp của Đại hội đồng LHQ do bận tranh cử nhiệm kỳ thứ tư nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel lâu nay cũng đã ủng hộ cải tổ HĐBA LHQ để phản ánh sự phân bố quyền lực thực sự trên khắp thế giới trong thế kỷ 21.

Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và Brazil nói rằng thế giới hiện đã rất khác so với những gì đã diễn ra vào năm 1945 (năm ra đời của LHQ) và HĐBA LHQ nên phản ánh điều đó. Đức và Nhật Bản là các cường quốc tài chính toàn cầu và thuộc những nước đóng góp nhiều nhất cho LHQ.

Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào ngày 19-9, Tổng thống Brazil Michel Temer nhắc lại yêu cầu của ông về cải cách HĐBA LHQ.

Hãng tin Prensa Latina dẫn lời ông Temer nói: “Trong thời đại lịch sử này với nhiều bất ổn, chúng ta cần thêm tính đa phương và đối thoại đưa LHQ trở thành tổ chức ngày càng hợp pháp và hiệu quả hơn”.

Ông Temer nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách “trái tim của cơ quan đa phương”, đặc biệt là sự cần thiết phải mở rộng HĐBA để thích ứng với thực tế của thế kỷ 21.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trong bài phát biểu của mình nói: “Chúng ta đang cải cách an ninh và kiến trúc an ninh để đảm bảo chúng ta mạnh hơn trong công tác phòng ngừa, nhanh hơn trong hòa giải, hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí trong các hoạt động gìn giữ hòa bình”.

Tuy vậy, chỉ riêng mục tiêu mở rộng HĐBA LHQ - trái tim của LHQ, bao gồm các thành viên thường trực và không thường trực từ lâu đã là một vấn đề nan giải.

Nhiều quốc gia thành viên LHQ thường kêu gọi cải cách HĐBA trong nhiều thập kỷ, cho đến nay không thành công trong việc tìm ra công thức có thể chấp nhận được để mở rộng HĐBA. Trong 5 thành viên thường trực của HĐBA có thể phủ quyết bất kỳ quyết định nào nhằm tăng thêm thành viên thường trực.

Anh và Pháp nói rằng họ ủng hộ mở rộng HĐBA, Mỹ ủng hộ thận trọng trong khi Trung Quốc và Nga là những nước phản đối. Đó cũng là một trong những nguyên nhân vì sao Nga và Trung Quốc không ký vào đề xuất của Mỹ cải tổ LHQ trong kỳ họp này.

Tin cùng chuyên mục