Trong những ngày này, không ít người bệnh lại than thở vì giá thuốc tiếp tục tăng cao chóng mặt. Còn các hãng dược thì liên tục phát đi thông báo đến các nhà thuốc, đại lý về việc thay đổi biểu giá mới. Và Sở Y tế TPHCM cũng “nhộn nhịp” doanh nghiệp dược đến nộp hồ sơ kê khai tăng giá thuốc. Một doanh nghiệp dược cho rằng mấy tuần qua do USD, EUR tăng vù vù thì ắt phải tăng giá thuốc! Mà quả ngược đời, ngoại tệ lên xuống thất thường, còn giá thuốc chỉ có lên mà không… xuống.
Giá thuốc và việc quản lý giá thuốc từ nhiều năm qua đã làm hao tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới. Nhiều cuộc họp từ trung ương đến sở, ngành địa phương để tìm “độc chiêu” cầm cương mặt hàng này vẫn chưa có kết quả.
Tại cuộc họp với Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hồi tháng 4-2010, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cũng ghi nhận giá thuốc tăng liên tục khiến người bệnh không chịu… xiết. Ông cho rằng dân bức xúc là đúng, các cơ quan quản lý phải nhạy bén tháo gỡ cho dân! Cục Quản lý dược phân trần rằng nguyên tắc quản lý giá thuốc là “các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật…”, còn cụ thể thì “không thể sử dụng các biện pháp hành chính để “buộc” giá thuốc đứng yên…”. Như vậy, vô hình trung quản lý giá thuốc quá đơn giản. Nghĩa là cứ theo cạnh tranh của thị trường nên các công ty dược tha hồ “đưa - đẩy”, gây khó bệnh nhân trăm bề.
Đã đến lúc Quốc hội, Chính phủ cần xem xét, ra tay trong việc quản lý giá thuốc để ổn định mặt hàng nhạy cảm này. Đã đến lúc cần xây dựng hệ thống chính sách, cơ chế, quy định một cách rõ ràng và chặt chẽ để bình ổn giá thuốc một cách hợp lý, mang tính dài hạn. Đối với thuốc nhập khẩu, nhất là thuốc biệt dược phải quy định thặng số bán buôn, bán lẻ toàn chặng trên cơ sở giá nhập khẩu về cảng (giá CIF). Có nghĩa, cơ quan quản lý phải “trả giá” trước cho người bệnh.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng “làm giá” từ nước ngoài, cơ quan quản lý phải có hội đồng xét duyệt công tâm, phải tra cứu thông tin thị trường “bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam” mà Luật Dược đã quy định. Đối với thuốc nội, khi muốn kê khai giá hoặc kê khai lại giá, hội đồng xét duyệt phải căn cứ tình hình thực tế của thị trường để cho tăng hoặc giảm, nhưng nếu tăng thì thặng số không được cao hơn mức quy định. Nghĩa là phải có bàn tay can thiệp của Nhà nước chứ không thể để mặc thị trường tự do định giá thuốc.
Điều đáng nói là đối với thuốc mà BHYT chi trả thì không nên để cho các bệnh viện tự đấu thầu mà để chính cơ quan BHXH đấu thầu. Bởi là cơ quan chi trả tiền thuốc BHYT nên BHXH phải có trách nhiệm mua thuốc với giá hợp lý nhất, phải “trả giá” trước cho bệnh nhân để mỗi năm không phải thâm hụt quỹ lên tới vài ngàn tỷ đồng như hiện nay.
Không phải lâu nay Cục Quản lý dược không nhìn ra những bất cập của thị trường dược phẩm cũng như biết rất rõ người bệnh đang gánh chịu những gì từ giá thuốc “cắt cổ”. Nhưng xem ra, những giải pháp thiết thực vẫn còn quá ít để cầm cương giá thuốc. Nếu không nói sự thiếu trách nhiệm thì phải xem xét lại năng lực quản lý. Nhà nước cần có những chế tài mạnh hơn đối với thị trường dược. Kiên quyết rút giấy phép, số đăng ký đối với những công ty dược vi phạm về giá, đồng thời có cơ chế khuyến khích đầu tư mạnh mẽ hơn để ngành dược trong nước phát triển.
TƯỜNG LÂM