Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước không được tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ mầm non; không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ chưa được Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng. Quy định vừa ban ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội. Trong đó, phản đối nhiều hơn tán thành. Vì sao?
Đứt gánh giữa đường
Mặc dù quy định của Bộ GD-ĐT đã triển khai đến các sở GD-ĐT nhưng tính đến thời điểm hiện tại, các trường vẫn trong tư thế “nghe ngóng” hướng dẫn chỉ đạo từ Sở GD-ĐT địa phương. Theo phản ảnh của nhiều phụ huynh, các lớp dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non trên địa bàn TPHCM vẫn đang hoạt động do trường đã lỡ ký hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc có tiếp tục gia hạn hợp đồng hay không, hiệu trưởng các trường đều bày tỏ sự băn khoăn, lúng túng. “Dạy thì không đúng theo tinh thần chỉ đạo của bộ, ngưng dạy thì tội cho học sinh, đi ngược lại nhu cầu của phụ huynh. Chưa kể về mặt cơ sở vật chất, chúng tôi không biết xử lý sao với hai phòng học tiếng Anh đã được trang bị đầy đủ màn hình cảm ứng và các trang thiết bị hiện đại phục vụ việc học tiếng Anh cho trẻ”, hiệu trưởng một trường mầm non ở một quận trung tâm bày tỏ.
Ở góc độ giáo viên, chị M.T., giáo viên dạy tiếng Anh theo hợp đồng tại một trường mầm non ở quận 3, cho biết: “Trước đây, trong giờ lên lớp, tôi đã từng hỏi học sinh của mình có thích học tiếng Anh không. Khi đó, 100% cánh tay trong lớp đều giơ cao và đồng thanh nói “Con rất thích ạ”. Qua mỗi giờ học, tôi lại nhìn thấy được sự thích thú hiện rõ trên gương mặt các em, thể hiện qua việc các em khoe là ở nhà đã đố ba mẹ từ vựng tiếng Anh thế nào, học tên một loại cây này lại đòi tôi dạy thêm tên của loại cây khác, dù cái đó không có trong chương trình và giáo viên cũng không hề ép buộc”. Do đó, quy định của Bộ GD-ĐT ban ra đã khiến không ít người hụt hẫng. Anh Võ Minh Khang, phụ huynh có con đang học lớp chồi một trường mầm non ở quận 1, khẳng định: “Nếu trường ngưng dạy tiếng Anh, tôi sẽ cho con tiếp tục học ở một trung tâm ngoại ngữ gần nhà. Nhưng thật lòng chúng tôi vẫn hy vọng các cháu được tiếp tục học ở trường, vừa có thể tiết kiệm thời gian đưa đón, chi phí học tập vừa có thể giúp chương trình học không bị gián đoạn”.
Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, trẻ đã được tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ lứa tuổi mầm non để có thể phát triển tối đa khả năng ngoại ngữ bên cạnh sự phát triển tiếng mẹ đẻ của mình. Riêng tại Việt Nam, nhiều năm qua, các địa phương đã mạnh dạn đưa vào thí điểm nhiều chương trình tiếng Anh phục vụ đối tượng mầm non sau khi nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ phía phụ huynh. Rất nhiều tiết dự giờ, triển khai lớp học mẫu đã được Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức nhằm tiến hành rút kinh nghiệm, hoàn thiện chương trình tiếng Anh tại các trường mầm non đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên. Song, vì sao lại có cú “rẽ” bất ngờ trên?
Quản không được thì cấm?
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là trong tình hình hiện nay, khi đa số các trường mầm non đều chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đạt chuẩn dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non thì không nên đưa môn học này vào chương trình. Bởi ở bậc học này, việc học của trẻ chủ yếu thông qua quá trình bắt chước, học theo, làm theo, từ đó mới hình thành dần sự tiếp thu, học hỏi. Nếu điều kiện giảng dạy không phù hợp, giáo viên không đạt chuẩn, nói sai, nói ngọng sẽ khiến các bé bị ảnh hưởng lâu dài, sau này rất khó khắc phục. Trên thực tế, hiện nay Bộ GD-ĐT mới có quy định chuẩn trình độ đối với giáo viên dạy tiếng Anh ở các bậc tiểu học, THCS, THPT chứ chưa có bất kỳ quy định chuẩn trình độ nào đối với giáo viên tiếng Anh ở bậc mầm non.
Do đó, theo kiến nghị của nhiều đơn vị giáo dục, trong thời gian chờ đợi các văn bản yêu cầu về chuẩn tài liệu, trình độ giáo viên và cơ sở vật chất cho môn tiếng Anh ở bậc mầm non, cơ quan lãnh đạo ngành giáo dục không nên cấm tất cả cơ sở mầm non dạy ngoại ngữ mà nên phối hợp với các sở GD-ĐT địa phương có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết yêu cầu ngưng giảng dạy đối với các trường không đảm bảo điều kiện, giảng dạy trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường đã đầu tư bài bản về trang thiết bị đạt chuẩn, hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ có uy tín và nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh.
Thông tin từ Phòng Giáo dục mầm non của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay văn bản hướng dẫn dạy tiếng Anh ở bậc mầm non đã được hoàn thành, đang chờ ý kiến chỉ đạo, góp ý từ phía Ban giám đốc Sở GD-ĐT, dự kiến khoảng cuối tháng 3 sẽ triển khai rộng rãi đến 24 quận, huyện. Chưa biết nội dung văn bản hướng dẫn thế nào nhưng đại diện các trường đều hy vọng sẽ có một hướng đi mở cho việc phát triển dạy ngoại ngữ ở bậc mầm non, nhất là đối với TPHCM, thành phố luôn đi đầu trong các chính sách mở cửa và hội nhập tiên tiến.
MINH QUÂN