Cam go cuộc chiến bảo vệ hành tinh Xanh

Trong lúc cả thế giới đang nỗ lực chung tay chống biến đổi khí hậu, Mỹ - quốc gia gây ô nhiễm đứng thứ 2 thế giới vừa qua đã có quyết định khiến cả dư luận trong nước và quốc tế lên án. 
Vùng biển Tahiti thuộc quần đảo Polynesia, nơi đang đứng trước nguy cơ bị nước biển nhấn chìm
Vùng biển Tahiti thuộc quần đảo Polynesia, nơi đang đứng trước nguy cơ bị nước biển nhấn chìm
Trong lúc nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đang nỗ lực chống biến đổi khí hậu khi đưa ra hàng loạt sáng kiến; áp dụng kỹ thuật, ứng dụng xanh vào cuộc sống, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bền vững, vẫn còn tồn tại những lực cản khiến cuộc chạy đua bảo vệ hành tinh Xanh bị giảm tốc.
Từ cây điện tử, đảo nổi...
Cuối tháng 5 vừa qua, một cái cây kỳ lạ, có những chiếc lá to vuông vức được dựng lên ngay giữa lòng TP Nevers, miền Trung nước Pháp. Đây chính là eTree (cây điện tử) đầu tiên tại châu Âu. Lấy cảm hứng từ loài cây keo sống trên vùng sa mạc ở Israel, “lá” của eTree là những tấm pin năng lượng mặt trời, chuyển đổi quang năng thành điện năng. Ngoài việc sạc điện các loại điện thoại cầm tay, lướt wifi hay để che nắng, công trình theo trường phái vị lai này còn cấp cả nước mát, cho phép nạp bình điện xe đạp hay thắp sáng đường phố khi chiều về.
Thị trưởng TP Nevers Denis Thuriot cho biết, eTree là biểu tượng cho lời cam kết xây dựng TP kỹ thuật số có từ năm 2014 của Nevers cũng như trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Chính phủ Pháp. Trước Nevers, cây nhân tạo này đã được “trồng” tại nhiều TP lớn trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ, Israel và sắp tới đây là Kazakhstan. Dự án cũng đã thu hút được sự chú ý của những tập đoàn công nghệ lớn như Google.
Cam go cuộc chiến bảo vệ hành tinh Xanh ảnh 1 eTree tại TP Nevers, Pháp - cây điện tử đầu tiên tại châu Âu
Việc eTree xuất hiện tại TP Nevers, cây điện tử đầu tiên tại châu Âu, sau hơn 1 năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 21 tại Paris, mang tính biểu tượng rất cao. Nó được xem như lời khẳng định về quyết tâm chống biến đổi khí hậu, vốn đang mang lại nhiều tác động tiêu cực cho đời sống nhân loại. Một trong những tác động đó là hiện tượng nước biển dâng đe dọa nhấn chìm nhiều quốc gia trên thế giới. Trước nguy cơ trên, tổ chức phi chính phủ Mỹ Seasteading Institute đã đề xuất một dự án xây dựng các đảo nổi, mà trước mắt là đặt các đảo nhân tạo này ở vùng biển Tahiti thuộc quần đảo Polynesia (Pháp). Một biên bản ghi nhớ đã được ký giữa chính quyền Polynesia và Seasteading Institute hồi đầu năm 2017.
Ông Randy Hencken, lãnh đạo Seasteading Institute cho rằng, tình hình đang trở nên khẩn cấp, khi mà từ 25 - 40 năm nữa, hàng chục đảo thuộc quần đảo Polynesia có nguy cơ biến mất. Xây các đảo nổi, cụ thể là những khối bê tông có thể lắp ghép được với nhau, đặt trong các vùng biển, không bị ghìm giữ xuống đất. Dự án của Seasteading Institute thực ra không mới. Năm 2011, một công ty của Nhật đã bắt đầu thử nghiệm dự án tương tự ở Kiribati, một quần thể các đảo và đảo san hô nhỏ ở Thái Bình Dương. Vấn đề đặt ra, liệu xây đảo nhân tạo trên biển sẽ tác động ra đến hệ sinh thái và sự phát triển các loài san hô biển? Chưa thấy các nhà lập dự án đề cập đến vấn đề này.
... đến cam kết phát triển bền vững
Trung Quốc là quốc gia gây ô nhiễm nhất hành tinh khi phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều gấp 2 lần so với Mỹ. Các nhà máy tại Trung Quốc phần lớn lệ thuộc nhiều vào nguồn điện được sản xuất từ than và không một quốc gia nào trên thế giới sản xuất và tiêu thụ năng lượng hóa thạch nhiều như Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia châu Á này đang hướng tới chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2020, giảm phát thải khí CO2 ít nhất 40% so với mức thải năm 2005. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh đẩy mạnh tăng trưởng xanh. Hiện Trung Quốc sản xuất 20% điện nhờ vào năng lượng tái tạo, trong khi đó, Mỹ chỉ có 13%. Trong vòng 10 năm, tăng trưởng trong năng lượng gió của Trung Quốc chiếm 1/3 thế giới và hiện Trung Quốc đã vượt Đức để đứng đầu thế giới về năng lượng mặt trời. Một dấu hiệu khác thể hiện quyết tâm của Trung Quốc đó là trong năm nay, nước này đã đình chỉ hàng trăm dự án nhà máy nhiệt điện và trong năm thứ 3 liên tiếp, mức tiêu thụ than đã giảm. 
Mới nhất, ngày 15-6, Tân Hoa xã đưa tin Bắc Kinh đã cho thiết lập 5 khu thí điểm cải cách và sáng tạo “tài chính xanh” tại Quảng Đông, Quý Châu, Giang Tây, Chiết Giang và Khu Tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Nhiệm vụ chính của các khu thí điểm trên là hỗ trợ các tổ chức tài chính thiết lập các bộ phận phục vụ “tài chính xanh”, khuyến khích phát triển “tín dụng xanh”, tìm kiếm cách thức thành lập thị trường giao dịch về các quyền lợi trong lĩnh vực môi trường như quyền phát thải, quyền sử dụng nước và quyền sử dụng năng lượng; thiết lập kênh dịch vụ chính phủ ưu tiên các dự án liên quan; thiết lập cơ chế phòng chống những nguy cơ trong lĩnh vực “tài chính xanh”. Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ về tài chính, thuế, và các chính sách về đất đai đối với các ngành “công nghiệp xanh” và “dự án xanh”, đồng thời sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án liên quan... 
Lực cản
Trong lúc cả thế giới đang nỗ lực chung tay chống biến đổi khí hậu, Mỹ - quốc gia gây ô nhiễm đứng thứ 2 thế giới vừa qua đã có quyết định khiến cả dư luận trong nước và quốc tế lên án. Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà Mỹ từng ký vào năm 2015, với lý do hiệp định làm ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ. Theo bà Laurence Tubiana, người từng là Trưởng đoàn thương thuyết của Pháp về chống biến đổi khí hậu, quyết định của Mỹ sẽ gây khó khăn cho nỗ lực chung của quốc tế khi mà nhân loại không còn đủ thời gian để hành động. Mỹ rút chân còn để lại mối lo về vấn đề tài chính cho Quỹ Xanh (100 tỷ USD) tài trợ cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Maldives Thoriq Ibrahim lại cho rằng, sự kiện Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lại là cơ hội để cộng đồng quốc tế chứng tỏ quyết tâm đối đầu với thử thách. Bằng chứng là Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ…. đã tái cam kết thực thi hiệp định. Không có Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Canada và những quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp sẽ là đầu tàu của nỗ lực sử dụng năng lượng sạch. 
Ngày 12-6 vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ra tuyên bố, không có chuyện thỏa thuận lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và nhóm này sẽ tiếp tục cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà không cần có Mỹ. Trong khi đó, rất nhiều bang, TP tại Mỹ cũng khẳng định sẽ theo đuổi các nỗ lực chống biến đổi khí hậu bất chấp tuyên bố của Tổng thống Donald Trump... 

Tin cùng chuyên mục