Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong khu vực và ngay tại nước ta. Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, trong 50 năm trở lại đây, nhiệt độ trên thế giới tăng trung bình hàng năm từ 0,5 - 0,7°C. Lượng mưa giảm 20%. Từ năm 1995-2010 mực nước biển dâng cao trung bình hàng năm 3,3mm. Những con số trên chỉ phản ánh chỉ số chung của toàn thế giới phải chịu tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu. Việt Nam không may là 1 trong 5 quốc gia bị tác động nặng nhất do hiện tượng nước biển dâng cao - hậu quả tăng nhiệt độ làm bề mặt trái đất nóng lên. Biến đổi khí hậu đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường tại nước ta.
Theo các chuyên gia về môi trường, bất kỳ điều gì xảy ra, kể cả những kịch bản lạc quan nhất hay bi quan nhất, Việt Nam vẫn là một trong những nước ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Việt Nam có bờ biển dài, với 2 đồng bằng thấp, nhất là đồng bằng sông Cửu Long. Nước biển dâng cao ở bất cứ mức độ nào đều sẽ ảnh hưởng đến vựa lúa không chỉ nuôi sống cuộc sống của hàng chục triệu dân nước ta mà còn là kho gạo lớn của thế giới.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn là một trong số các trung tâm bão lớn của thế giới. Gần đây số lượng bão đổ bộ vào Việt Nam với tần suất và cường độ ngày càng cao hơn, thiên tai xảy ra dồn dập, gây thiệt hại rất lớn và việc khắc phục không dễ dàng. Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á nằm trong vùng rất dễ tổn thương trong mọi trường hợp thiên tai.
Thực tế cho thấy trong những năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu đã làm nước ta luôn rơi vào tình trạng hạn hán với mức độ ngày càng trầm trọng hơn. Mùa hè năm sau luôn có nhiệt độ trung bình cao hơn năm trước. Diện tích chuyển đổi trồng lúa sang cây trồng chịu hạn năm sau cao hơn năm trước. Trong 50 năm tới, trong trường hợp nước biển dâng 1m, Việt Nam có thể mất đến 5% đất đai và 10% dân số sẽ không còn đất để ở và sản xuất. Còn theo các kịch bản xấu hơn, nếu mực nước dâng cao từ 3 - 5m thì thảm họa càng tăng.
Chính phủ nước ta đã phê chuẩn Công ước khung LHQ và Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu. Ở trong nước, Chính phủ đã giao cho Bộ TN-MT làm đầu mối quốc gia về các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu và phối hợp với các ngành khác xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, trong đó có biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tình huống bất thường của thiên tai, đồng thời soạn thảo khung chính sách quản lý rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Không chỉ vậy, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng thực hiện những dự án chống nước biển dâng ở ĐBSCL, triều cường ở TPHCM, thoát nước ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc... Sự đầu tư này là rất cần thiết và đúng đắn, song sự khắc nghiệt của thiên tai luôn là nỗi ám ảnh thường trực. Thực tế tác động bởi biến đổi khí hậu không chỉ là chuyện riêng của một quốc gia nào.
Trước Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, cả thế giới đã chờ đợi một thỏa thuận toàn cầu của hàng trăm nguyên thủ quốc gia tham dự, để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng đã phải thất vọng. Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới chưa đạt được một thỏa thuận với lộ trình rõ ràng để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu thì tình trạng này vẫn cứ diễn ra, không cần chờ đợi hành động của con người. Ứng phó với biến đổi khí hậu giờ đây không chỉ ở mỗi nước, ở cam kết của các nhà lãnh đạo cao cấp mà còn chính là ý thức và thái độ ứng xử trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi con người. Nếu mỗi quốc gia và người dân chỉ vì lợi ích của riêng mình mà tùy tiện hành động, chắc chắn thế hệ mai sau sẽ phải trả giá cực kỳ đắt.
Thành Nam