Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam

Cam kết sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ

Thành tựu tích cực
Cam kết sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ

Sự nỗ lực vượt bậc vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu và việc Việt Nam chính thức là quốc gia có thu nhập trung bình được các đại biểu đánh giá cao tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2010 (CG 2010) tổ chức tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang ngày 9-6. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu tại hội nghị.

Trong giờ nghỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu với các đại biểu về ẩm thực của địa phương.

Trong giờ nghỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu với các đại biểu về ẩm thực của địa phương.

Thành tựu tích cực

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: Hội nghị giữa kỳ lần này diễn ra trong bối cảnh có nhiều sự kiện quan trọng đối với Việt Nam. Năm 2010, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, một khu vực gặp không ít khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng.

Sau 3 năm gia nhập WTO, Việt Nam ngày càng có cơ hội hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và khu vực; đẩy mạnh tham gia các cơ chế hợp tác tiểu vùng, khu vực và toàn cầu. Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng cao. Nền kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển theo chiều hướng tích cực, các mặt an sinh xã hội đều được giải quyết tốt, góp phần ổn định đời sống nhân dân và từng bước cải thiện phúc lợi xã hội.

Đại lộ Đông-Tây (TPHCM), một công trình sử dụng vốn ODA. Ảnh: CAO THĂNG
Đại lộ Đông-Tây (TPHCM), một công trình sử dụng vốn ODA. Ảnh: CAO THĂNG

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, công nhận Việt nam đang có vai trò ngày càng lớn trong khu vực và thế giới. Một đất nước (trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình) đi trước trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như các mục tiêu thiên niên kỷ. Những năm qua, kết quả đánh giá các dự án do WB tài trợ tại Việt Nam đều rất thành công, tạo kết quả thực tế, cụ thể cho người dân. So với các nước khác, hiệu quả thực hiện các dự án tại Việt Nam cao hơn nhiều. Cùng quan điểm này, ông Francis A.Donovan, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho rằng: “Việt Nam đang có nhiều nỗ lực cải cách khu vực hành chính công để tăng cường hiệu quả đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính…”.

Chia sẻ với các các chuyên gia, nhà tài trợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phấn khởi cho biết: GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2010 có khả năng tăng trưởng 6,1%. Nếu không có biến động lớn từ bên ngoài thì khả năng cả năm 2010 đạt 6,5%-6,8%. Với các giải pháp đồng bộ tổng hợp, phù hợp với kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, dự báo khả năng kiểm soát lạm phát trong năm 2010 là khoảng 8%. Các mục tiêu về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội đạt nhiều kết quả tích cực…

Thách thức không nhỏ

Rõ ràng dù có nhiều thành công trong điều kiện rất “khắc nghiệt” song Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức. Bà Victoria Kwakwa cho biết: WB cùng các đối tác phát triển khác sẽ cam kết tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ những mục tiêu mà chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đặt ra.

Giám đốc ADB tại Việt Nam Ayumi Konishi đặt vấn đề: Trong chiến lược phát triển phải thực hiện để mọi người hưởng sự công bằng. Việt Nam cần hỗ trợ tích cực cho vùng sâu vùng xa, đặc biệt chiến lược phát triển có sự tham gia của tất cả vùng miền. ADB ủng hộ định hướng công nghiệp hóa và chuyển đổi thành nền kinh tế tri thức của Việt Nam; hoàn toàn đồng tình với trọng tâm phát triển nguồn nhân lực vì chính người Việt Nam là lực lượng tạo ra sự chuyển biến này.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực đang thay đổi bao gồm thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN, nhất thiết Việt Nam phải chuyển mình từ cạnh tranh giữa các tỉnh thành đang sản xuất cùng một sản phẩm sang “chuyên môn hóa và phát triển các lĩnh vực phù hợp để cùng hợp lực phát triển”. Đại sứ Úc Allaster Cox cho rằng, cần tăng cường thông tin thị trường tài chính, tính minh bạch của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba cho rằng, với mức dự trữ ngoại hối hạn hẹp, cộng với nhập siêu, tình trạng lạm phát có thể cao trở lại. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, hướng đến phát triển bền vững. Một cảnh báo nóng khác từ cái “bẫy của quốc gia có thu nhập trung bình”: Việc đầu tư cho phát triển không đồng đều giữa các khu vực và các thành phần kinh tế, nhóm người trong xã hội, từ đó dẫn tới sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc như đã diễn ra ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Để tránh những cái bẫy này, các nhà tài trợ cho rằng cần tập trung vào các vấn đề xã hội, con người…

Cam kết với nhà tài trợ

Tại hội nghị, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cảm ơn chân thành đến WB, ADB, IMF, các vị đại sứ, đối tác, các nhà tài trợ đối với Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi rất hoan nghênh và trân trọng các ý kiến, khuyến nghị của quý vị. Việt Nam cam kết sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả các nguồn lực mà các bạn hỗ trợ. Mục tiêu chiến lược 10 năm của Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; là một trung tâm sản xuất, dịch vụ trong chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ của khu vực và toàn cầu. Quy mô nền kinh tế đến năm 2020 của Việt Nam khoảng 300 - 310 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 3.000 - 3.200 USD/người/năm.

Để đạt mục tiêu này, mức phấn đấu tăng trưởng bình quân của Việt Nam mỗi năm khoảng 7%-8%/năm. Đồng thời sẽ nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của Nhà nước; tạo chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng với các giải pháp đồng bộ; chủ trương cung cấp thông tin công khai minh bạch, đặc biệt là lĩnh vực tài chính công; phát huy vai trò của báo chí, của người dân; xây dựng nhà nước trong sạch, hiệu lực hiệu quả, xử lý nghiêm tham nhũng; cải cách tiền lương…”.

Bình Đại

  • Thông tin liên quan:

- Hội nghị CG giữa kỳ: Tìm vốn đầu tư hạ tầng

Tin cùng chuyên mục