Cam kết tài chính quá thấp so với kỳ vọng của các nước đang phát triển

• Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành Nghị quyết 853/NQ-UBTVQH13 về biến đổi khí hậu

Họp báo về kết quả Hội nghị COP - 20:

• Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành Nghị quyết 853/NQ-UBTVQH13 về biến đổi khí hậu

(SGGPO).- Sáng 17-12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo thông báo kết quả của Đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 20 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP - 20) và Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto diễn ra từ ngày 1 đến ngày 12-12 vừa qua. Đây là hội nghị quan trọng để có thể tiến tới việc xây dựng thỏa thuận toàn cầu mới vào năm 2015.

Theo thông tin tại cuộc họp báo COP - 20 đã thông qua Thỏa thuận khung cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kínhvới tên gọi “Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu”. Đây được coi là quyết định quan trọng nhất của COP - 20; gồm 22 điều và 01 phụ lục.

Các bên tham gia bày tỏ quan ngại do còn chênh lệch quá lớn giữa kết quả giảm nhẹ của thế giới thời gian qua so với yêu cầu của khoa học nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2°C hoặc không quá 1,5°C vào cuối thế kỷ; và đều thống nhất khẩn trương hoàn thành Thoả thuận 2015 để có thể thông qua vào tháng 12 năm 2015.

Tuy là một tín hiệu tích cực và là nền móng để xây dựng một dự thảo thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại COP - 21 (tổ chức tại thủ đô Paris, Pháp) vào năm tới; song “nội dung đạt được tại Hội nghị chưa đáp ứng được kỳ vọng của thế giới trước tác động ngày một rõ ràng và mạnh mẽ của biến đổi khí hậu”, đại diện Đoàn đàm phán của Việt Nam thẳng thắn nhận định.

Cam kết về tài chính cũng quá thấp so với những gì đã hứa và so với kỳ vọng của các nước đáng phát triển. Cụ thể, các nước phát triển mới cam kết đóng góp cho Quỹ Khí hậu xanh được 10,2 tỷ USD đến năm 2015. Các nước đang phát triển đòi hỏi lộ trình đóng góp tài chính của các nước phát triển rõ ràng, minh bạch và cụ thể; song đòi hỏi này vẫn chưa thực hiện được.

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa ký ban hành Nghị quyết 853/NQ-UBTVQH13 về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện việc rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng đồng bộ với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xác định rõ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là trách nhiệm của toàn xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ động, tích cực.

Trong quá trình xây dựng pháp luật cần quy định những nội dung liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến cuối năm 2016, hoàn thiện pháp luật về khí tượng thủy văn; xây dựng được cơ chế, chính sách để thúc đẩy xã hội hóa trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là việc trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện những dự án cấp thiết, đặc biệt là các dự án chống sạt lở bờ biển, bờ sông để tránh ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tính mạng và đời sống nhân dân.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục