Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc đã bầu ra một ban lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước, được đánh giá là “có nhiều nhân tố mới”. Mặc dù Hiến pháp và pháp luật chưa quy định ràng buộc cụ thể về hình thức tuyên thệ nhậm chức trước nhân dân, nhưng liên tiếp các phát biểu cam kết đầy tâm huyết của các thành viên Chính phủ sau khi được Quốc hội tín nhiệm, đã mang đến cho cử tri cả nước nhiều kỳ vọng về hiệu quả vận hành của bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.
Trong các phát biểu ấy, cam kết của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng tái nhiệm Nguyễn Tấn Dũng – được cử tri cả nước chú ý nhiều khi ông khẳng định một cách mạnh mẽ: “Chúng tôi nguyện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc của dân; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”…
Và không chỉ Thủ tướng, nhiều thành viên Chính phủ đã gây chú ý bởi những “cam kết dõng dạc” trước dân. Ông Đinh La Thăng, một gương mặt mới, người đã bước thẳng từ chức vị Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sang Bộ trưởng Bộ GTVT - chiếc “ghế nóng” bậc nhất hiện nay - cũng đã gây chú ý đặc biệt khi phát biểu một cách đầy dũng khí rằng, hãy cho ông “toàn quyền như một vị tướng ra trận” và ông cam kết “sẽ tạo ra đột phá” cho những bế tắc của ngành. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (tái nhiệm) cũng khẳng định dứt khoát: “Tôi sẽ là một bộ trưởng hành động”…
Đi kèm những phát biểu mạnh mẽ, các thành viên Chính phủ, trên cơ sở chức trách từng người, đều đưa ra những đường hướng cụ thể nhằm thay đổi một cách thiết thực những vấn đề nóng bỏng đặt ra trong bộ ngành mình, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước đang gặp nhiều khó khăn, cần những giải pháp thiết thực, trí tuệ để vượt qua…
Và đó là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, từ lời nói đến hành động, từ cam kết đến hiện thực bao giờ cũng có khoảng cách. Khoảng cách đó ngắn hay dài, rộng hay hẹp, luôn tùy thuộc vào độ bền quyện giữa tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm của những người thực hiện. Để biến cam kết thành hiện thực thành công, đòi hỏi người lãnh đạo phải có đầy đủ những phẩm chất, năng lực cần có và phẩm chất, năng lực đó phải được thể hiện một cách kiên định, máu thịt, xuyên suốt trong hành động.
Thực tế cho thấy, có những lãnh đạo đã biến được cam kết thành hiện thực. Nhưng cũng có những vị lãnh đạo tuy khi nhậm chức mang đến nhiều kỳ vọng cho người dân, thuộc cấp của mình qua những cam kết, phát biểu mạnh mẽ, quyết liệt, song đi vào thực tiễn, với những phức tạp, khó khăn muôn màu muôn vẻ phát sinh, lại không đủ dũng khí, sự sáng suốt, trí tuệ để đương đầu. Thậm chí, không ít người còn bị chính sự “muôn màu muôn vẻ” đó dẫn dắt vào những con đường lầm lạc… Và hậu quả thì ai cũng có thể hình dung.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến” và “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, là những câu thành ngữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống thường lấy để nhắc nhở những “công bộc” của dân. Cái “bất biến” trong ngữ cảnh này chính là lợi ích của nhân dân, của đất nước, và “vạn biến” chính là sự thể hiện năng lực của người lãnh đạo. Tuy nhiên, sự “vạn biến” đó chỉ có được khi những công bộc của dân biết vì cái bất biến mà “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” tiếng lòng của nhân dân, của thực tiễn cuộc sống.
Và cử tri tin rằng, nếu vị lãnh đạo nào cũng luôn thực hiện được những điều như cam kết của Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn đất nước Việt Nam sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua những khó khăn và tạo ra một trang sử mới.
Phạm Phương Đông