Cảm nghĩ về một người thầy

Trong chuyến bay ra Hà Nội vừa qua, vì công việc riêng, lướt qua các tít bài với khá nhiều vấn đề “nóng” về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, một bài viết với 2 tấm ảnh nằm ở góc dưới trang Thông tin nóng 24/7 Báo Sài Gòn Giải Phóng của tác giả Sông Hương khiến tôi lập tức bị thu hút. Với tôi, có nhiều điều tưởng chừng như vô tình xảy ra trong đời người nhưng thực sự phải có một “nhân duyên” mới thấy, mới bắt gặp được để xẻ chia và làm bùng lên những cảm xúc đồng điệu, tri âm tri kỷ...
Cảm nghĩ về một người thầy

Trong chuyến bay ra Hà Nội vừa qua, vì công việc riêng, lướt qua các tít bài với khá nhiều vấn đề “nóng” về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, một bài viết với 2 tấm ảnh nằm ở góc dưới trang Thông tin nóng 24/7 Báo Sài Gòn Giải Phóng của tác giả Sông Hương khiến tôi lập tức bị thu hút. Với tôi, có nhiều điều tưởng chừng như vô tình xảy ra trong đời người nhưng thực sự phải có một “nhân duyên” mới thấy, mới bắt gặp được để xẻ chia và làm bùng lên những cảm xúc đồng điệu, tri âm tri kỷ...

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (bìa phải) trong lần thuyết giảng tại Mỹ

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (bìa phải) trong lần thuyết giảng tại Mỹ

Luôn trăn trở về nghĩa lý và cứu cánh của “sự học” nói chung, nhưng vì là kẻ “ngoại đạo”, không có duyên được đào tạo và theo học tại một trường sư phạm nào, nên những hiểu biết về giáo dục của tôi chủ yếu thông qua những gì tự mình trải nghiệm, đúc kết và qua sách vở. Giống như đại bộ phận các bạn học sinh khác, trong môi trường giáo dục trong nước, việc thu nhận kiến thức của bản thân tôi cũng “tuần tự nhi tiến” qua các bậc học rồi sau đó là cổng trường đại học với một chương trình “khung” gồm các kiến thức nền và chuyên ngành làm hành trang vào đời. Có vẻ như điều đó là đã “đủ” cho 5 năm dùi mài chữ nghĩa, và mọi việc trở nên “khá ổn” với tấm bằng trong tay. Nhưng rồi tôi đã phải rất vất vả để đứng vững trước đòi hỏi của thực tế xã hội và môi trường làm việc (mặc dù môi trường ấy không đòi hỏi phải cạnh tranh gay gắt hay đòi hỏi khả năng thích ứng cho lắm). Và tôi nhận thấy có những kiến thức thực sự không đọng lại gì cho bản thân; không có vai trò thiết thực gì khả dĩ làm điểm tựa cho tư duy. Thậm chí khi có một vốn liếng kiến thức nền tương đối vững vàng thì tôi lại “giật mình” vì tự thấy cần phải trang bị một triết lý giáo dục để định hướng cho chính công việc giảng dạy mà mình đang đảm nhiệm. Bởi không có nó, tất cả các hệ thống tri thức sẽ trở nên hỗn độn, phù phiếm, và thậm chí vô nghĩa.

Lâu nay, các bài viết tâm huyết của các bậc trí giả luôn đau đáu với giáo dục nước nhà như các GS Hoàng Như Mai, Hoàng Tụy, Văn Như Cương; hay gần đây của GS.Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập) vẫn nhấn mạnh và khẳng định giá trị và vai trò sống còn của một nền triết lý mang tính định hướng cho toàn bộ tư duy phát triển giáo dục. Nó trả lời cho một loạt các câu hỏi hóc búa mà hệ thống giáo dục của chúng ta lâu nay còn lúng túng. Đó là: Vì sao phải học? Khi đã coi chuyện học là một nhu cầu thiết thân thì phải học cái gì? Cần học như thế nào? Và cái quan trọng hơn tất cả là: Có một nhận thức đúng ở đời, biết chọn cái để học, để phát triển, để đáp ứng được nhu cầu tự thân, để có thể thích ứng, tồn tại; để có thể cảm thấy hạnh phúc và có ích cho đời sống.

Bài viết của tác giả Sông Hương về PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng và ngôi trường Đại học tư thục Quốc tế Hồng Bàng của ông, ít nhất, với thực tế phát triển và những bước đi đột phá, với những hiệu quả và hiệu ứng xã hội tích cực đã trả lời được nhiều câu hỏi căn cơ trên đối với cả xã hội, với thầy và trò; trong đó đặc biệt là câu hỏi về nhu cầu tự thân để bản thân tồn tại và hạnh phúc, cảm thấy mình thực sự có ích với mọi người, với cộng đồng và xã hội…

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai từ trái sang) xuống sân chúc mừng hai đội bóng chuyền nam nữ ĐHQT Hồng Bàng đoạt chức vô địch hội thao sinh viên TPHCM.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai từ trái sang) xuống sân chúc mừng hai đội bóng chuyền nam nữ ĐHQT Hồng Bàng đoạt chức vô địch hội thao sinh viên TPHCM.

Chính vì xác định được triết lý và hướng đầu tư đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu phát triển đa dạng, phong phú, mang tính chất đa ngành nghề, đa lĩnh vực như vậy mà Đại học Hồng Bàng đã đứng vững qua bao sóng gió, liên tục phát triển cả về chiều rộng lẫn bề sâu trong nhiều năm. Với Đại học Hồng Bàng, nhiều mã ngành, nhiều môn học mới vẫn đã và đang được Bộ cho phép mở và chiêu sinh; tạo được tiếng vang tốt, gây được hiệu ứng tích cực; trở thành địa chỉ thu hút nhiều lứa học sinh, sinh viên cùng nhiều đối tượng và tầng lớp khác trên toàn quốc an tâm lựa chọn để “đầu tư cho tương lai”. Nhu cầu xã hội là một phép thử rất khắc nghiệt nhưng cũng rất công bằng. Chỉ có những ai đi đúng hướng, biết nắm bắt kịp thời đòi hỏi ấy mới có thể tồn tại, khẳng định được thương hiệu riêng.

Bài viết của Sông Hương giới thiệu những nét khái quát về chân dung của PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà sư phạm, nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu lịch sử, và về ĐH Hồng Bàng - ngôi trường gắn với tên tuổi của ông. Với mấy chục năm là người trong cuộc với những hoạt động thực tiễn, có thể nói ông là một trong những người đầu tiên không chỉ lên tiếng mà còn xắn tay vào mở ra một lối đi, một tư duy, một cách làm mới và hiệu quả, tạo ra một cơ ngơi bề thế cả về quy mô lẫn chiều sâu đào tạo (với số lượng trên 25.000 sinh viên thuộc 22 khoa, phòng chuyên môn; quy tụ hơn 600 cán bộ giảng dạy, các nhà khoa học có uy tín, đầu ngành. Đào tạo từ hệ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học đến Thạc sĩ). Có thể xem đây là một trong những nhân tố đặc biệt trong bối cảnh các trường đại học ngoài công lập đang còn tồn tại bao khó khăn như hiện nay.

Xin gửi tới thầy và gia quyến lời chào trân trọng.

(Đôi dòng cảm nghĩ về PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng và Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng TPHCM nhân đọc bài viết của tác giả Sông Hương đăng trên trang Thông tin Nóng 24/7 - Báo Sài Gòn Giải Phóng)

TS. Trần Thanh Tùng,
Email: tungtranthanh2000@yahoo.com

Tin cùng chuyên mục