Cấm người cận thị lái xe là vô lý

Bộ Y tế vừa xây dựng dự thảo Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe. Theo đó, những người có thị lực dưới 4/10 không được điều khiển xe máy; thị lực dưới 5/10 không được lái xe hạng B1; có tật khúc xạ trên 5 diop không được lái xe các hạng A2 - A4, B2, C, D, E... Những người mù màu không được lái xe máy.

Bộ Y tế vừa xây dựng dự thảo Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe. Theo đó, những người có thị lực dưới 4/10 không được điều khiển xe máy; thị lực dưới 5/10 không được lái xe hạng B1; có tật khúc xạ trên 5 diop không được lái xe các hạng A2 - A4, B2, C, D, E... Những người mù màu không được lái xe máy.

Tôi bị cận thị 6,5 diop và thường xuyên đeo kính, nhưng tôi không thấy có gì hạn chế, bất tiện khi tham gia giao thông bằng xe máy phân khối lớn. Em trai tôi cũng cận thị tương đương tôi nhưng vẫn không gặp khó khăn khi lái ô tô đi làm.

Thực ra, bị tật khúc xạ bao nhiêu độ không quan trọng, miễn là sau khi được điều chỉnh bằng kính mắt vẫn có thị lực tốt và thị trường đủ rộng. Vì thế, theo tôi, quy định cấm này không có cơ sở khoa học. Ngay với những người bị mù màu, thông thường chỉ mù một hoặc vài ba màu, tỷ lệ mù màu hoàn toàn rất hiếm, người điều khiển phương tiện vẫn có thể nhìn vào vị trí của đèn để phán đoán màu đèn tín hiệu giao thông.

Việc Bộ Y tế đưa ra những tiêu chuẩn sức khỏe quá khắt khe như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân, vì trong xã hội hiện nay có rất nhiều người bị các tật khúc xạ về mắt. Theo Hội Nhãn khoa Việt Nam, tỷ lệ bị tật khúc xạ ở học sinh, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM chiếm 30% - 60%.

Hơn nữa, việc Bộ Y tế đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn khắt khe về sức khỏe khi điều khiển các loại xe còn gây phiền hà trong quá trình làm thủ tục và dễ nảy sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn này cũng gây khó khăn cho người khuyết tật, là những người đang nỗ lực hội nhập và rất cần sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng xã hội.

Có thể mục đích của việc ban hành những tiêu chí trên của Bộ Y tế nhằm hướng đến mục tiêu an toàn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, những quy định cũng cần phải hợp lý, xuất phát từ thực tế cuộc sống và phải mang tính khoa học. Hiện trên thế giới có đến 2,5 tỷ người (chiếm khoảng 20% dân số toàn cầu) bị tật khúc xạ về mắt, thử hỏi nếu như các nước cũng quy định như vậy thì số lao động đông đảo này sẽ sống và làm việc ra sao?

NGỌC KHÁNH (quận 11, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục