Cấm sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai để huy động vốn

Cấm sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai để huy động vốn

Nghiêm cấm việc sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai đầu tư để huy động, chiếm dụng vốn của người mua nhà dưới mọi hình thức. Đó là nội dung Nghị định số 02 do Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành về việc ban hành Quy chế khu đô thị mới. 
 

Cấm sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai để huy động vốn ảnh 1
Từ nay, DN không được phép huy động vốn khi dự án chưa được triển khai. Ảnh: Đ.V.D.

Theo nghị định này, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới phải bảo đảm có đủ các điều kiện: là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh về đầu tư kinh doanh bất động sản; có vốn đầu tư thuộc sở hữu của chủ đầu tư tham gia vào dự án không nhỏ hơn 20% tổng mức đầu tư dự án. Việc lựa chọn chủ đầu tư dựa vào những căn cứ như đấu thầu thực hiện dự án khu đô thị mới; chỉ định chủ đầu tư đã có đề xuất dự án khu đô thị mới phù hợp với các yêu cầu phát triển của địa phương và các quy định của quy chế này. Việc chỉ định chủ đầu tư phải được thực hiện thông qua thẩm định dự án.

Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc cho thuê lại đất phù hợp với dự án đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai; được chuyển giao công trình cơ sở hạ tầng cho Nhà nước và được lựa chọn chủ đầu tư cấp 2 thuộc dự án khu đô thị mới thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Nghị định cũng quy định rõ dự án khu đô thị mới được lập có quy mô chiếm đất từ 50 ha trở lên.

Trường hợp diện tích đất để dành cho dự án nằm trong quy hoạch đất đô thị nhưng bị hạn chế bởi các dự án khác hoặc bởi khu đô thị đang tồn tại thì cho phép lập dự án khu đô thị mới có quy mô dưới 50 ha nhưng không được nhỏ hơn 20 ha. Nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp, không bảo đảm quy chuẩn trong các khu đô thị mới hiện nay, nghị định đã khẳng định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về chất lượng các công trình xây dựng thuộc dự án của mình theo quy định của pháp luật về xây dựng.
 
Theo ghi nhận, hầu hết dự án bất động sản tại TPHCM đang bán căn hộ trên bản vẽ như một hình thức huy động vốn, trong khi nhiều dự án ở Hà Nội cũng thiếu tiền đầu tư. Chính vì vậy quy định không được bán nhà trước khi triển khai dự án của Quy chế khu đô thị mới đang khiến giới kinh doanh địa ốc xôn xao.
 
Bộ Xây dựng cho rằng quy chế sẽ bảo vệ người dân khỏi những doanh nghiệp lợi dụng việc bán nhà trên giấy để chiếm dụng vốn. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bán nhà ngay từ khi dự án còn chưa có đủ thủ tục thu hồi, giao đất. Có doanh nghiệp vốn đầu tư chỉ có vài trăm triệu đồng, nhờ quan hệ mới được giao đất đã quảng cáo bán nhà, dân nộp tiền đến 3 năm chưa xong. Theo Hiệp hội kinh doanh bất động sản TPHCM, hiện có hơn 2.000 dự án xây dựng bất động sản trên địa bàn thành phố với khoảng 500-600 doanh nghiệp tham gia. Thế nhưng, ước tính chỉ vài chục nhà đầu tư là có khả năng đáp ứng được yêu cầu vốn kinh doanh. 

KIẾN QUỐC

Tin cùng chuyên mục