Vừa bước xuống máy bay, tôi đã nhận ra những hành khách vừa đáp các chuyến bay về phi trường Tân Sơn Nhất đêm hôm đó đều là người Việt xa quê. Tôi thật sự xúc động khi hiểu rằng dù ăn đâu, làm đâu, người Việt mình cũng nhớ về cội nguồn và mong được về nhà ăn tết” - chị Nguyễn Khánh Phương, kiều bào (KB) Mỹ, vừa về tới TPHCM vào 26 Tết tâm sự.
Thỏa nỗi nhớ quê
Kể từ ngày sang Mỹ định cư năm 1993 đến nay, chị Phương mới có dịp trở về quê hương ăn tết với gia đình người em gái. Chị xúc động: “Bên Mỹ, mọi người chỉ ăn mừng Giáng sinh và Tết Tây. Thế nhưng, trong thâm tâm chúng tôi, từ “tết” chỉ dành để chỉ “Tết ta” của mình. Vào dịp “Tết ta”, tôi còn ráng lùng mua lá để gói vài đòn bánh tét. Chúng tôi muốn cả gia đình cùng về nhưng điều kiện tài chính chưa cho phép nên năm nay chỉ có 2 mẹ con được về. Chiều 30 Tết, tôi sẽ đưa cháu về quê nội ở Sóc Trăng để cảm nhận hương vị tết quê.
“Suốt đời, có lẽ tôi khó mà quên được ánh nhìn của mẹ tôi lúc hấp hối. Bà bị bệnh tim nặng nên cách đây 10 năm, bác sĩ đã khuyến cáo không được đi trên những chuyến bay dài, có muốn đi hãng hàng không cũng không chịu chở. Thế nên từ đó cho tới lúc mất, mẹ tôi đau đáu một nỗi niềm nhớ quê. Tết nào mẹ cũng nhắn em trai tôi gửi hình họ hàng ăn tết ở Việt Nam qua để bà coi cho đỡ nhớ.
Mãi đến khi đã hóa thành tro bụi, hũ cốt của mẹ mới được về lại quê hương. Hiểu được nỗi lòng của mẹ, từ ngày bà mất, dù có bận rộn cách mấy, cứ cách vài ba năm một lần, hễ có tiền, có sức khỏe vợ chồng tôi lại thu xếp về quê ăn tết, thăm họ hàng” - chị Nguyễn Thị Thanh Phượng, KB Úc tâm sự.
Gặp chị ở Hội hoa xuân TP, chị nhận xét: “Năm nay không khí đón tết ở TP rất vui vẻ và ấm áp. TP tràn ngập cờ, đèn và hoa”.
Năm nay cũng là năm đầu tiên anh Nguyễn Hòa Nhã (30 tuổi) đón tết cổ truyền tại quê hương từ ngày cùng gia đình định cư ở nước ngoài nên trong lòng rất nôn nao. Anh nói: “Cộng đồng người Việt xa quê cũng tổ chức nhiều hoạt động trong những ngày tết, nhưng cảm giác không thể nào bằng được hưởng không khí xuân rộn rã ngay tại quê nhà. Lâu lắm rồi tôi mới lại đi tảo mộ cùng gia đình.
Ngày 28 Âm lịch, tôi sẽ đi chọn mua cây mai, quả dưa hấu, bánh chưng, bánh tét; sau đó cùng mọi người trong nhà dọn dẹp nhà cửa. Mười mấy năm rồi, tôi mới được đón đêm giao thừa đúng nghĩa. Mọi năm, thời khắc giao thừa ở Việt Nam trúng vào buổi trưa ở Mỹ nên tôi chỉ có thể tưởng tượng ra không khí linh thiêng qua trí nhớ và thấy… thèm vô cùng. Tôi đang mong đến 3 ngày tết để được đi chùa xin lộc đầu năm, chúc tết, mừng tuổi bà con họ hàng.
Góp sức xây dựng quê hương
Với doanh nhân Việt kiều Nguyễn Văn Nam (chồng nghệ sĩ hài Thúy Nga), chuyến về quê đón tết năm nay rất nhiều ý nghĩa. Trong đó, ý nghĩa nhất là trong lễ cưới vừa qua, vợ chồng anh Nam đã vận động được nhiều cá nhân, đơn vị đóng góp số tiền gần 300 triệu đồng để làm từ thiện. Những ngày giáp tết với bộn bề công việc, song vợ chồng anh Nam đã thực hiện “live show” từ thiện, đem quà tết đến cho đồng bào nghèo, trẻ em khuyết tật, người neo đơn ở TPHCM và TP Nha Trang.
Anh Nam vui vẻ nói: “Đón tết xong hai vợ chồng sẽ bay sang Mỹ để Thúy Nga diễn hài phục vụ bà con mình bên đó. Sau đó, vợ chồng tôi sẽ quay về Việt Nam tham gia vận động tài trợ cho chương trình ca múa nhạc võ thuật “Xuân kỳ ngộ” do Báo SGGP tổ chức để gây quỹ xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho đồng bào nghèo sinh sống ở dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ. Anh chia sẻ: “Tết tuy mệt nhưng vui vì làm được nhiều việc có ý nghĩa cho quê hương”.
Phó Giám đốc Trung tâm Sinh học TP Nguyễn Quốc Bình, KB Canada, cho rằng TPHCM đã đổi thay đến kỳ lạ. Ông nói: TPHCM có những bước đi vững chắc và đã khẳng định được vị thế của một TP năng động nhất cả nước. Dù năm 2009 cả nước bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nhưng TPHCM đã cố gắng vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục. Dù hiện nay đường phố vẫn còn kẹt xe, còn lô cốt nhưng tôi vẫn tin tưởng từ sau năm 2010, TPHCM sẽ “lột xác” hoàn toàn với những thế mạnh của riêng mình. Vấn đề còn lại là quyết tâm của lãnh đạo TP cũng như người dân TP.
Còn với kỹ sư cầu đường Nguyễn Đắc Chí, KB Pháp (thành viên nhóm “Việt kiều” - một nhóm tình nguyện gồm các kỹ sư, nhà thầu, sinh viên… là KB các nước cùng chung tay vận động góp kinh phí và kỹ thuật để xóa cầu khỉ ở các tỉnh thành ở VN), TPHCM đã trở nên thân thuộc. Ông đi đi về về giữa VN và Pháp thường xuyên, và mỗi lần về VN ông đều ở lại TPHCM.
Gặp chúng tôi ngày cuối năm, ông hồ hởi: Mấy ngày này, tôi thấy TPHCM thật đẹp. Tôi thích nhất là những đèn treo bọc trong ống tre, trong quạt, đèn lồng dọc các tuyến đường. Nó cho người ta cảm giác bình yên, thư thái, một cảm giác mà dù có thật nhiều tiền cũng không thể nào “mua” được ở nước ngoài.
Dù không còn gia đình, họ hàng thân thuộc ở Việt Nam, song năm nào ông Anthony Phùng cũng về Việt Nam đón tết. Gặp chúng tôi, ông vui vẻ nói: “Về quê hương ăn tết năm nay tôi có ý định đầu tư mở một nhà máy chuyên sản xuất các thiết bị xử lý môi trường, lĩnh vực mà rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đang cần”.
Nói rồi, ông Phùng khoe với chúng tôi trong dịp về tết năm nay ông còn giới thiệu được một khách hàng Mỹ cho Công ty TNHH Tân Hoàng Gia ở huyện Hóc Môn (TPHCM) sản xuất hơn 10.000 bộ lều vải trị giá hàng triệu USD cung cấp cho các tổ chức từ thiện tham gia cứu trợ cho người dân bị động đất ở Haiti.
“Như vậy tết năm nay tôi đã làm được một công ba việc: đón tết ở quê nhà, tìm hiểu chuẩn bị đầu tư và giới thiệu cơ hội kinh doanh cho một doanh nghiệp cùng góp sức với người dân thế giới cứu trợ thiên tai” - ông Phùng nói.
NHÓM PVCT