Cần 495 tỷ đồng kiểm soát ô nhiễm không khí

Ngày 25-2, Hội đồng nhân dân TPHCM đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan về thực trạng hệ thống quan trắc, kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn TPHCM.

(SGGP).- Ngày 25-2, Hội đồng nhân dân TPHCM đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan về thực trạng hệ thống quan trắc, kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn TPHCM.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, để kiểm soát chất lượng môi trường cần thiết phải đảm bảo 14 chỉ tiêu. Thế nhưng, với năng lực hạ tầng có nhiều hạn chế nên chỉ mới tập trung và 4 chỉ tiêu là nước mặt, nước dưới đất, khí thải và chất lượng môi trường khu vực xung quanh bãi xử lý chất thải. Hiện 3 vấn đề về nước mặt, nước dưới đất và xung quanh bãi xử lý chất thải cơ bản đảm bảo được yêu cầu tối thiểu. Riêng hệ thống xử lý khí thải thì gần như chưa kiểm soát được theo yêu cầu thực tế của thành phố.

Hiện 9 trạm quan trắc không khí tự động do Chính phủ Na Uy và Đan Mạch hỗ trợ xây dựng từ năm 2003 đến năm 2012 đã bị hư hỏng hoàn toàn và không còn sử dụng được. Từ năm 2012 đến nay phải sử dụng hệ thống quan trắc bán tự động tại 16 điểm của thành phố. Mặt khác, thời gian thực hiện quan trắc sáng từ 8 giờ - 9 giờ và chiều từ 15 giờ - 16 giờ là không phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố. Bởi sau những giờ này, lượng xe tải mới được phép tham gia lưu thông. Do đó, với cách thức cũng như kết quả quan trắc không khí như vậy là không đáng tin cậy. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang lập đề án xây dựng trung tâm quan trắc chất lượng không khí giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, sẽ tập trung xây dựng 27 trạm quan trắc tự động và 200 điểm quan trắc bán tự động với tổng kinh phí là gần 495 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, một thành phố lớn và đông dân như TPHCM mà người dân hoàn toàn không biết chất lượng môi trường sống của mình đang ô nhiễm đến mức nào, hệ thống quan trắc không khí hư hỏng 5 năm nay nhưng vẫn không thể khắc phục là điều không thể chấp nhận được. Việc phải đầu tư vài chục tỷ đồng (78 tỷ đồng trong năm 2016) không phải là quá tầm của thành phố. Chưa kể, việc đầu tư này lại rất cần thiết cho chất lượng môi trường sống của người dân, góp phần cảnh báo thông tin ô nhiễm gây hại đến đời sống người dân. Quan trọng hơn, đề ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vốn đang tác động nặng nề đến sức khỏe của cộng đồng dân cư. Điều này cũng cho thấy, tuy các sở ban ngành có trách nhiệm trong công việc nhưng chưa có tính chủ động trong việc kết nối.

Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị lãnh đạo UBND TP cần phải giải quyết ngay vấn đề này. Cần thiết phải có tổng tư lệnh để giải quyết vấn đề giảm thiểu ô nhiễm của thành phố. Trong tháng 3 phải trình HĐND TPHCM kế hoạch thay thế, lắp mới trạm quan trắc đã bị hư hỏng (8 trạm) và kế hoạch đầu tư ngắn hạn và trung hạn; định hướng đầu tư tại chính cho hệ thống quan trắc trong thời gian 5 năm tới.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục