Những biểu hiện tiêu cực của thủy điện như thấm đập, liên tục gây ra động đất kích thích tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam), mới đây lại thêm sự cố khó tin khi để xảy ra vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum) bên trong toàn xây bằng đất, cát đá… đã làm bà con ăn không ngon ngủ không yên, không dám tin vào sự an toàn của thủy điện. Nhưng các chuyên gia và nhiều người dân cho rằng tác hại của việc phát triển ồ ạt nhà máy thủy điện vừa và nhỏ không chỉ dừng lại ở đó, mà còn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục tiêu bảo vệ rừng, tàn phá môi trường sinh thái...
“Cuộc chiến” giữa nhiệm vụ giữ rừng và dự án làm thủy điện bắt đầu bùng lên khi có chủ trương xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ở đây, dự án không chỉ ảnh hưởng tới rừng thông thường mà nghiêm trọng hơn là “nuốt” cả một phần Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi trú ngụ của một số loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn nghiêm ngặt.
Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã được giao tổ chức rà soát lại diện tích rừng bị chuyển đổi sang thủy điện. Theo báo cáo Bộ NN-PTNT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2006 đến nay, cả nước đã có 160 dự án thủy điện có việc chuyển đổi rừng sang làm thủy điện. Tổng diện tích rừng phải nhường chỗ cho nhà máy và hồ thủy điện là gần 20.000ha. Điều đáng lo là phần lớn diện tích rừng bị chuyển đổi đều bị mất trắng, chưa được phục hồi trả lại. Trong 29 tỉnh, thành có dự án thủy điện chuyển đổi rừng thì đến nay chỉ có vỏn vẹn 8 tỉnh làm được việc trồng lại rừng mới, với diện tích rất ít ỏi: 735ha.
Tuy nhiên, nếu theo thông tin của Bộ Công thương, từ trước tới nay, cả nước ta đã có tới 1.114 công trình và dự án thủy điện, trong đó 1.004 dự án là thủy điện vừa và nhỏ (gồm cả công trình đã hoàn thành, đang triển khai hoặc còn ở bước lập dự án). Phần lớn các thủy điện đều có liên quan đến việc chuyển đổi rừng. Như vậy, diện tích rừng bị triệt hạ, xâm hại là không nhỏ.
Trong khi theo các chuyên gia, phần lớn các dự án thủy điện nhỏ đều không có bước đánh giá tác động môi trường. Các thủy điện vừa và nhỏ phá rừng và ảnh hưởng đến sinh thái nghiêm trọng hơn thủy điện lớn. Mặc dù nước ta thường xuyên phải đối mặt với thiên tai bão lũ, nhưng đa số công trình thủy điện vừa và nhỏ đều không có nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hạ du.
An ninh năng lượng là việc cần phải lo xa, nhưng cũng phải tính đến chuyện cân bằng lợi ích giữa phát triển thủy điện và mục tiêu bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn tính mạng và điều kiện sống của nhiều người dân. Muốn vậy, chúng ta phải có quy hoạch cụ thể, đưa ra cơ chế đúng đắn bắt buộc chính quyền địa phương, các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch trồng và bảo vệ rừng.
Do đó, hoàn toàn đồng tình với chủ trương của Bộ NN-PTNT khi vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ áp dụng quy định trong thời gian tới, bắt buộc các dự án xây dựng thủy điện có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang làm công trình thủy điện phải có phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng đã bị mất.
Mọi trường hợp không có phương án trồng rừng thay thế được duyệt, kiên quyết không được khởi công dự án. Không trồng bù lại diện tích rừng chuyển đổi thì không cho phép đi vào hoạt động, tích nước. Đồng thời, hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang làm thủy điện. Về lâu dài, phải đẩy mạnh và mở rộng hình thức nhà máy thủy điện chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người trồng rừng, lâm trường để thu hút được nhiều người dân trồng rừng, bảo vệ rừng trong khu vực các công trình thủy điện.
PHÚC VĂN