Cân bằng quyền lực

Hà Lan và Trung Quốc quyết định thiết lập quan hệ đối tác cởi mở và thực tế vì sự hợp tác toàn diện. Đây là kết quả cuộc gặp ngày 23-3 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc đến Hà Lan kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972.

Sau Hà Lan, ông Tập Cận Bình sẽ thăm Pháp, Đức và Bỉ, những quốc gia nằm trong chuyến công du đến châu Âu lần đầu tiên của ông. Theo giới quan sát, Bắc Kinh hiện coi châu Âu là một đối tác hết sức quan trong. Chuyến đi lần này của ông Tập Cận Bình như là một lời khẳng định của chính sách “thắt chặt” quan hệ hơn nữa mối quan hệ hợp tác Bắc Kinh - Brussels của người đứng đầu Trung Quốc. Một phái đoàn đại diện cho 200 doanh nghiệp của Trung Quốc tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm châu Âu lần này. Qua đó, có thể thấy, tăng cường về quan hệ kinh tế với lục địa già tiếp tục là một trong những ưu tiên chủ đạo của Bắc Kinh. Điều này đã từng được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh: Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu đến năm 2020, trao đổi thương mại với Liên minh châu Âu đạt 1.000 tỷ USD.

Hợp tác về kinh tế giữa Trung Quốc - Liên minh châu Âu vẫn thường hay có “điều ong tiếng ve” do một số tranh cãi về cạnh tranh thương mại như vụ tấm pin năng lượng Mặt trời Trung Quốc xuất sang châu Âu thời gian qua là một ví dụ. Dù vậy, tờ Global Times dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc, nhận định những bất đồng này sẽ không gây cản trở trong hợp tác kinh tế thời gian tới, bởi châu Âu hay Trung Quốc đều là những thị trường tiềm năng mà đôi bên cùng mong muốn hướng tới.

Tuy nhiên, theo Jean Philippe Beja, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại, có trụ sở tại Mỹ, mục đích chính chuyến công du của người đứng đầu Trung Quốc là để cân bằng quyền lực với Mỹ. Bắc Kinh hy vọng Brussels sẽ trở thành một cực quyền lực. “Trung Quốc muốn có 3 cực thay vì 2 cực như hiện nay. Việc có 3 cực quyền lực lại càng cần thiết hơn khi mà cực thứ 3 này tương đối yếu do chia rẽ nội bộ và như vậy, trở thành một phương tiện quan trọng mà Trung Quốc có thể sử dụng trên sân khấu chính trị quốc tế”, ông Beja nhận định.

Chuyến công du châu Âu của ông Tập Cận Bình là nhằm khẳng định rằng không phải chỉ có Mỹ và Trung Quốc, còn có châu Âu nữa và cần phải thảo luận mọi việc giữa 3 đối tác này. Trong một số hồ sơ, Trung Quốc có thể lôi kéo châu Âu về phía mình để làm đối trọng với Mỹ.

Việc tăng cường quan hệ với châu Âu nằm trong chính sách “gây cảm tình” đã được Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Sau khi nhậm chức vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lập tức đi thăm 14 quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã đến 9 quốc gia mà ở đó đã thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược, như: Turkmenistan, Tajikistan, Kyrgyzstan…

Theo ông Beja, điều quan trọng đối với Bắc Kinh hiện nay là phải khai thác sự cạnh tranh giữa các nước, như châu Âu cạnh tranh với Mỹ và đương nhiên bên trong châu Âu là sự ganh đua giữa Anh, Đức và Pháp. Bởi đó sẽ là cách thức để Bắc Kinh có được những điều kiện tốt nhất nhằm đạt được điều mà họ muốn, có được sự đồng thuận về lập trường chính trị với Trung Quốc của châu Âu.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục