Quyết sách bài trừ tham nhũng của Đảng là không có vùng cấm, không miễn trừ ai. Cái tư tưởng hạ cánh an toàn của những người sắp sửa rời chức quyền, những người chạy chức chạy quyền để tư túi tư lợi… sẽ không còn đất sống nữa, vì từ đây họ phải đối mặt với pháp luật. Điều làm cho chúng ta đau lòng là trong hàng ngũ Đảng lại có người bị tha hóa, biến chất nhưng cái lợi lớn nhất mà ta có được là củng cố niềm tin người dân. Tuy nhiên, soi rọi lại quá trình điều tra phát hiện những sai phạm, tôi lại thấy ra những vấn đề không nhỏ.
Trước hết, đó là vấn đề nguồn gốc sự sai phạm có từ nhiều phía do nể nang nhau của một số cán bộ đương chức, đương quyền. Khi bị phát hiện, người ta có thể lý giải sự sai phạm theo một hướng để không có trách nhiệm. Quản lý một địa phương mà nói rằng không biết một cán bộ có bao nhiêu căn nhà, bao nhiêu mét vuông đất là một câu phủ nhận trách nhiệm khó nghe. Thực tế có nể nang hay không, có qua có lại hay không? Thứ hai, thường thì những sai phạm của cán bộ không được phát hiện qua các cơ quan chính thống như các cơ quan hành chính, cơ quan dân cử và đặc biệt là cơ quan chuyên trách (như thanh tra) mà nó được bắt đầu từ phản ánh của người dân và qua các kênh báo chí. Cái bệnh nể nang nhau của những người đương chức đương quyền, thậm chí đối với người đã hạ cánh an toàn cần phải được điều trị đúng thuốc, đúng liều để tạo niềm tin cho người dân.
MINH ÚT
(Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An)