Trong mấy ngày qua, không riêng Thủ Đức mà người dân TP chưa hết bàng hoàng trước những cái chết thương tâm, cái chết không đáng có. Sau trận mưa, mọi người phát hiện xác một người đàn ông nằm trên chiếc xe đạp, vắt qua miệng cống. Ngày 12-10, đang đi trên đường Kha Vạn Cân, chị M. bị ngã xe, xe tải cán chết.
Nguyên nhân dẫn đến chết người đã được thông tin, làm rõ: người đàn ông bị nước cuốn, ngạt nước chết; chị M. đi xe máy va vào hố ga, làm chị cùng đứa con bị té. Đứa con may mắn ngã về phía vệ đường nên thoát nạn, còn chị M. ngã ra đường, bị xe tải cán chết. Nguyên nhân dẫn đến chết người đã rõ, còn trách nhiệm thì càng lúc càng trở nên mù mờ.
Đây không phải lần đầu tiên, người dân TP chứng kiến những cái chết lãng nhách như vậy. Và trong ồn ào của phố thị, những vết tích trên đường cũng bị xóa đi, nỗi đau của những gia đình có người thân bị chết cũng sẽ dần nguôi ngoai. Thế nhưng, những tai nạn thương tâm này liệu có được ngăn chặn khi mà những cán bộ, nhà quản lý cứ đùn đẩy, không dám nhận trách nhiệm.
Nói về cái chết chị M., ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước phía Đông, đơn vị phụ trách tuyến thoát nước đường Kha Vạn Cân cho rằng lỗi thuộc về chính quyền địa phương. Còn Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Trương Văn Thống thì nói khác, Xí nghiệp Thoát nước, đơn vị làm chủ đầu tư công trình trên con đường Kha Vạn Cân, phải chịu trách nhiệm.
Vậy ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm trước cái chết thương tâm của người dân? Trách nhiệm như “trái banh” cứ được những cán bộ ném qua, tung lại chưa có hồi kết. Căn bệnh “thành tích ôm vào, trách nhiệm đẩy ra” tưởng đã được xóa sạch sau những đợt TP phát động chương trình “Học, làm theo gương Bác” nhưng nay vẫn tồn tại.
Đây không phải là những cái chết lãng nhách, không đáng có cuối cùng ở TP, nếu những cán bộ, những người quản lý cứ trốn tránh, đùn đẩy và không dám nhận trách nhiệm về mình. Căn bệnh “thành tích ôm vào, trách nhiệm đẩy ra” của một số cán bộ, đảng viên cần phải có thuốc đặc trị.
TRẦN VĂN (Thủ Đức)