Cần bổ sung cơ chế, chính sách cho chợ đầu mối

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 02/2003 và Nghị định số 114 của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng trong quá trình triển khai 2 nghị định về công tác quản lý và phát triển chợ tại TPHCM đang gặp một số vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 02/2003 và Nghị định số 114 của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng trong quá trình triển khai 2 nghị định về công tác quản lý và phát triển chợ tại TPHCM đang gặp một số vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách.

Thứ nhất, chợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 02 là chợ mang tính truyền thống, đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư.

Tại TPHCM, 3 chợ đầu mối đã hình thành xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và đi vào hoạt động với quy mô, đặc điểm và cơ chế quản lý khác với chợ truyền thống. Do các quy định tại Nghị định 02 về phân loại chợ, quy hoạch phát triển và đầu tư xây dựng chợ, kinh doanh khai thác và quản lý chợ, quản lý nhà nước về chợ... chỉ áp dụng đối với chợ truyền thống, nên thành phố kiến nghị Trung ương xem xét, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp đối với chợ đầu mối.

Thứ hai, thực tế trên địa bàn thành phố, nhiều chợ đã hình thành lâu đời, từ trước khi Nghị định 02 được ban hành, nên không đáp ứng được những quy chuẩn đã định tại Nghị định 02. Tại nhiều chợ, diện tích của mỗi điểm kinh doanh bố trí trong chợ nhỏ hơn diện tích quy chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị định 02. Do đó, thành phố kiến nghị cần có các quy định riêng, đặc thù đối với những chợ đã hình thành trước thời điểm ban hành Nghị định 02.

Thứ ba, Trung ương xem xét, điều chỉnh nội dung phân cấp quản lý theo hướng cho phép thành phố phân cấp công tác quản lý chợ loại 1 cho UBND quận, huyện. Đối với các tỉnh, thiết nghĩ nên giao thẩm quyền phân cấp cho các tỉnh tùy thuộc vào tình hình, đặc thù tại mỗi địa phương.

Thứ tư, các bộ ngành cần thống nhất chủ trương và sớm ban hành cơ chế, chính sách cụ thể, nhất quán trong thu hút, khuyến khích đầu tư xây dựng, sửa chữa chợ một cách phù hợp. Ví dụ: chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất, chỉ định thầu, giao thầu quản lý kinh doanh chợ, thời gian thầu quản lý chợ… nhằm khuyến khích đơn vị trúng thầu yên tâm quản lý, đầu tư, cải tạo, nâng cấp chợ; các chính sách đối với cán bộ ban quản lý chợ sau khi chuyển đổi mô hình quản lý...

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục