Cán bộ y tế lo nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự

Ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế là chỉ tập trung vào chuyên môn, để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất chứ không phải là hàng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự.

Chiều 27-10, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho biết, đã tròn 1 năm ĐB có đề xuất về y tế cơ sở nhưng chưa có gì thay đổi về tiền lương, phụ cấp. Hiện nay còn ghi nhận tình trạng khó khăn ở y tế điều trị, trang thiết bị, vật tư. Đến nay cả 3 chân kiềng của ngành y tế từ y tế cơ sở, y tế điều trị, vật tư đều đối mặt với nhiều vấn đề.

ĐB Phong Lan cho biết, luôn nhận được những lời phàn nàn của cử tri về chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế (BHYT). “Nhưng ở các bệnh viện, anh em nhân viên y tế từ lãnh đạo cho tới nhân viên đều lực bất tòng tâm, thiếu tất cả, thiếu từ nhân lực, thiếu đến thuốc có chất lượng và thiếu cả trang thiết bị hiện đại”, ĐB nói.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, các bệnh viện hiện nay rất khó để tự chủ, chúng ta đã triển khai lệch hướng đối với xã hội hóa, tự chủ y tế. Tự chủ là để lo cho sức khỏe của nhân dân tốt hơn, nhưng Nhà nước lại cắt hết các nguồn chi thường xuyên, các cơ sở phải lo các nguồn thu, vì thế không thể bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất. Thay vì định hướng đầu tư cho y tế càng ngày phải càng tăng, mở rộng cơ hội và những nguồn đầu tư khác để tăng được chất lượng khám chữa bệnh thì lại thiên về tập trung vào những nguồn thu khác. Hơn nữa trong tự chủ thì các bệnh viện không tự chủ được cả về nhân lực và tài chính. Hay bị ép giảm chi từ giá dịch vụ y tế cho đến giá thuốc đến vật tư y tế không đúng theo giá trị thực mà ép càng rẻ càng tốt…

Cán bộ y tế lo nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự ảnh 1 Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó là những khó khăn trong thanh toán BHYT. BHYT rất khó tăng thu, nên đành phải giảm chi, giảm chi bằng cách ép giá các loại thuốc, vật tư y tế, nhưng kể cả thế thì vẫn khó để được thanh toán. Các bệnh viện trên địa bàn TPHCM hiện chưa được thanh toán 1.400 tỷ đồng BHYT vì vượt quá tổng mức chi, mà là do bệnh nhân tăng lên, đó là thực tế vô lý. Nếu đã chấp nhận thanh toán tổng mức thì khi bệnh nhân giảm có được giữ lại không, trong khi bệnh nhân tăng thì trừ đi, không thanh toán?

“Ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới là để cho cán bộ y tế chỉ phải tập trung vào chuyên môn, để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất chứ không phải là hằng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan phát biểu.

Vì thế, cần phải đánh giá toàn diện vấn đề này. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải có giải pháp sớm cho vấn đề này. Y bác sĩ nghỉ việc không đơn thuần là vấn đề tiền lương, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói. 

ĐB cũng đề nghị cân đối thu chi BHYT để bảo đảm chất lượng điều trị, không nên tăng thu, giảm chi. Nếu BHYT chi thiếu thì ngân sách phải bù vào. Về giải pháp lâu dài cần hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược; Luật Bảo hiểm y tế và cần có Luật trang thiết bị.

Trước các ý kiến bức xúc của ĐBQH về lĩnh vực y tế, chiều 27-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình trước Quốc hội thừa nhận, có những vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật BHYT và Nghị định 146 về nội dung này. Vì vậy, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT theo phương thức giá dịch vụ y tế đang có vướng mắc liên quan đến việc áp dụng tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Cán bộ y tế lo nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: QUANG PHÚC

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi Nghị định 146 về thực hiện Luật BHYT, hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trước mắt, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT để giải quyết khó khăn trong thanh toán.

Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng cho hay để đảm bảo cung ứng thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế có 2 yếu tố quan trọng. Vấn đề thiếu thuốc liên quan đến việc đăng ký lưu hành kịp thời các sản phẩm thuốc và trang thiết bị y tế, cũng như việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.

Đối với việc đăng ký lưu hành thuốc, thiết bị y tế, Chính phủ cũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12 để giải quyết các vấn đề liên quan đến đăng ký lưu hành. Đến thời điểm này, Bộ Y tế cũng đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hạn hiệu lực; tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến ngày 31-12-2022 nên đã cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của nhân dân và phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Luật Dược và các nghị định, thông tư có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về BHYT và các nội dung liên quan đến việc cấp đăng ký lưu hành, đấu thầu tập trung quốc gia.

Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, sở y tế dự phòng.

Tin cùng chuyên mục