Xuyên suốt trong tháng 10, Chương trình Roadshow “Kết nối doanh nghiệp (DN) với sinh viên và học sinh trung học” đợt 3 năm 2014, do Hội Tin học TPHCM tổ chức, đã đến với hàng ngàn sinh viên đang theo học ngành công nghệ thông tin (CNTT) tại các trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, Đại học Văn Lang và Cao đẳng Viễn Đông. Cùng với đó, hơn 20 DN có nhu cầu tuyển dụng nhân lực đã được mời đến để tiếp cận với nguồn lao động trẻ đầy tiềm năng này. Trong hoàn cảnh nguồn nhân lực CNTT đang đối mặt với tình trạng thiếu cả “lượng và chất”, những chương trình như vậy càng trở nên đáng quý.
Chia sẻ tại chương trình, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM (HCA), cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam có thể đạt trình độ tương đương với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao này còn hạn chế, với tỷ lệ trong 100 kỹ sư chỉ chọn được 10 người đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Hệ quả dẫn đến các DN phần mềm tại Việt Nam phải đối mặt với bài toán khan hiếm nguồn nhân lực.
Dự báo gần đây nhất (tháng 6-2014), Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực CNTT vào năm 2020. Trong khi đó, sinh viên đang quay lưng với ngành CNTT. Số sinh viên lựa chọn CNTT ở các trường đại học - cao đẳng ngày càng giảm. Những con số sinh viên CNTT thất nghiệp trên báo chí càng làm cho sinh viên xa lánh ngành học CNTT. Nhưng thực tế, những con số thống kê kể trên lại không khô khan chút nào. Ông Nguyễn Phúc Hồng, Phó Giám đốc Công ty TMA, cho biết, vài năm gần đây công ty có nhu cầu tuyển khoảng 200 người mỗi năm, nhưng không khi nào tuyển đủ. Ngay cả việc công ty mở cửa tự do mời gọi sinh viên đến thực tập để quen việc trước khi ra trường nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Khó tuyển không có nghĩa là “vơ bèo, vạt tép” được bởi ai cũng muốn tuyển được nhân lực tốt, có năng lực.
Nhiều DN nhận định rằng, nguyên nhân ở đây không phải thiếu việc làm mà... thiếu người làm việc. Tiếc thay, DN tuyển lao động ngày càng khó khăn hơn trong công tác tuyển dụng, còn lượng sinh viên tốt nghiệp của các trường bị thất nghiệp ngày càng nhiều lên, phần do quy trình đào tạo chưa đáp ứng được các yêu cầu của công việc. Ngược lại, phía nhà trường cho rằng DN vẫn còn dè dặt với các lời mời gọi của họ. Cho nên, cái bắt tay giữa nhà trường và DN lâu nay vẫn hờ hững vì nhu cầu chưa đến mức đẩy họ phải bắt tay nhau. Nói rõ hơn, là cái bắt tay đó chưa mang lại lợi ích sống còn cho cả nhà trường và DN.
Nhưng nay tình thế đã khác đi. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã làm cho các DN phải tư duy lại mô hình phát triển của mình. Thay vì đầu tư theo kiểu chụp giật, các DN đã ý thức được nhu cầu phát triển bền vững dựa vào sản xuất, dịch vụ chất lượng và công nghệ tiên tiến. Càng muốn cạnh tranh được, DN càng phải đầu tư nguồn nhân lực đủ mạnh. Không đâu khác, trường đại học, trường nghề chính là nguồn cung vô tận. Nhưng để có được nguồn cung đạt chuẩn, DN phải chủ động vào cuộc.
Bởi thế, bà Văn Thị Bích Ty, Trưởng ban truyền thông HCA, cho rằng, việc liên kết đào tạo như trên mang lại nhiều lợi ích, góp phần giải quyết bài toán đào tạo nhân lực và nhu cầu sử dụng. Nhưng khi nhà trường và DN chưa kết nối được, những hiệp hội ngành nghề như HCA, hoặc cao hơn là cấp quản lý về CNTT phải tạo ra cái bắt tay này. Chương trình Roadshow: “Kết nối DN với sinh viên và học sinh trung học” cũng nhằm một mục đích ấy.
NGUYỄN TƯỜNG