Cần chặn nguồn cung

Hình ảnh trong các đoạn ghi hình phát tán trên mạng gần đây cho thấy các tay súng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn sở hữu nhiều chiếc SUV và xe tải chở chiến lợi phẩm ở Syria, Iraq và Libya. Theo New York Times, những hình ảnh này cũng cho thấy nỗ lực ngăn chặn dòng tiền đổ về IS hiện vẫn chưa đủ.

Hình ảnh trong các đoạn ghi hình phát tán trên mạng gần đây cho thấy các tay súng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn sở hữu nhiều chiếc SUV và xe tải chở chiến lợi phẩm ở Syria, Iraq và Libya. Theo New York Times, những hình ảnh này cũng cho thấy nỗ lực ngăn chặn dòng tiền đổ về IS hiện vẫn chưa đủ.

Chính phủ Nga từng xác định hành động chặn đứng nguồn cung cấp tài chính cho IS nên là ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ, IS được coi là tổ chức khủng bố giàu có và tinh vi về mặt tài chính nhất thế giới. Nguồn thu nhập khổng lồ và đa dạng chính là một trong những lý do giúp IS vẫn tiếp tục tồn tại, không bị suy yếu trước các trận không kích của liên minh nước ngoài do Mỹ cầm đầu. Không có ước tính chính xác về giá trị tài sản bí mật của lực lượng này nhưng theo giới điều tra của Mỹ, IS thu được hơn 1 triệu USD/ngày nhờ bán dầu mỏ thông qua các nhà trung gian tư nhân trên các tuyến buôn lậu. Tổng số tiền bán dầu của IS có thể lên tới 40 triệu USD/ tháng. Nguồn thu lớn thứ hai của IS là tiền chuộc các con tin, buôn bán bất hợp pháp dầu mỏ, đồ cổ và cướp phá các ngân hàng. IS còn thu thuế của người dân ở những thành phố thuộc lãnh thổ đang nắm giữ, kiểm soát lương thực và các nguồn tài nguyên quan trọng khác. IS còn nhận được nguồn tiền tài trợ từ những cá nhân ở các quốc gia thuộc vùng Vịnh. Các tài khoản này rất khó bị phát hiện.

Việc chặn đứng nguồn cung tài chính của IS đang gặp không ít khó khăn do IS không dính líu tới hệ thống tài chính quốc tế nên tổ chức này không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hay các luật chống rửa tiền và các quy định của ngân hàng. Ngoài ra, IS kiếm tiền bằng cách chính thức hóa hệ thống tài chính nội bộ IS. Vì thế, rất khó để có thể cắt đứt đường dây tiếp cận của nhóm này với nguồn tài chính từ địa phương. Bộ Tài chính Mỹ đã truy lùng được một vài ngân hàng thực hiện kế hoạch trên nhưng mạng lưới chân rết của IS đã mở rộng bên ngoài lãnh thổ Iraq nên việc phá sập hoàn toàn các tổ chức tài chính thuộc IS đang gặp cản trở.

Sau khi Mỹ và liên quân triệt phá một số mỏ dầu mà IS chiếm giữ tại Iraq và Syria, lực lượng này tìm cách tuồn dầu mỏ ra ngoài thị trường chợ đen bằng cách sản xuất dầu ở các nhà máy lọc dầu di động. Ông David Cohen, Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường buôn lậu dầu của IS thông qua khu vực miền Nam nước này. Nếu thực hiện có hiệu quả, biện pháp này sẽ có tác động rất lớn tới lợi nhuận của IS. Mặc dù lo ngại về thực lực tài chính của IS, nhưng các nhà phân tích nhận định IS đang gặp nhiều khó khăn trong việc tăng nguồn tài chính của mình sau khi bị truy lùng các nguồn tiền. Ông Michael Sheehan, Chủ tịch điều hành của Trung tâm chống khủng bố tại West Point (Mỹ), cho rằng IS chiếm giữ nhiều lãnh thổ nhưng cũng đồng nghĩa phải tiêu tốn nhiều cho việc chiếm giữ. Bên cạnh đó, IS cũng phải chi trả tiền lương cho các tay súng tham chiến, trả tiền trợ cấp đều đặn cho gia đình của các tay súng đã bị chết và cấp tiền cho thân nhân những người bị bắt giữ.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục