Cần chỉ rõ những nơi để khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp

Ngày 15-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. 
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân đã giảm so với những năm trước trên hầu hết các tiêu chí: số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tổng số đơn và tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.
Hệ thống pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm và ngày càng hoàn thiện; ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người đã được nâng lên.
Công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Mặc dù khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm nhưng số vụ việc, số đoàn khiếu nại đông người, lại tăng 13,5%. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tuy đạt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra. Đáng lưu ý, ở các địa phương, nhất là cấp cơ sở, vẫn còn nhiều vụ việc giải quyết chậm, chỉ chú trọng giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc dẫn đến nhiều vụ việc công dân khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương. 
Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định, báo cáo của Chính phủ chưa tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc về kết quả và chất lượng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc phân tích, đánh giá nguyên nhân tăng, giảm các số liệu trên cơ sở có so sánh với các năm trước nên tính thuyết phục chưa cao; chưa có đầy đủ số liệu kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu nơi có vi phạm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Một số nguyên nhân và giải pháp còn chung chung chưa thể hiện rõ nội dung mới của năm 2017, kiến nghị còn ít và chưa cụ thể. Những bất cập trong thực tiễn giải quyết tố cáo chưa gắn với việc nghiên cứu sửa đổi Luật Tố cáo. Báo cáo thẩm tra cũng nhìn nhận, tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2017 vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt, cần phải phân tích, đánh giá sâu hơn nữa tình hình khiếu nại, tố cáo, từ đó mới đưa ra được giải pháp thiết thực, có hiệu quả. 
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, UBTVQH cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ “chuẩn xác lại số liệu, đánh giá đúng, sát hơn tình hình và rõ địa chỉ, không thể nói “một số nơi, một số cơ quan”... Những vụ việc tồn đọng cũng cần đánh giá rõ nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân nào. 

Tin cùng chuyên mục