Đội ngũ nữ trí thức nước ta rất đông và giàu tiềm năng nhưng những rào cản từ phía xã hội, gia đình và ngay chính bản thân đang làm hạn chế đi rất nhiều năng lực cống hiến của họ. Làm thế nào để các nữ trí thức phát huy được hết khả năng của mình, đó là trăn trở của bà Phạm Thị Trân Châu (ảnh), Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam.
* Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về đội ngũ nữ trí thức của chúng ta hiện nay?
* Bà PHẠM THỊ TRÂN CHÂU: Có thể nói, đội ngũ nữ trí thức Việt Nam tuy có sự khác nhau về lứa tuổi và độ chín nghề nghiệp nhưng nhìn chung đều đã và đang có những cống hiến rất tốt cho xã hội trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, phần đông nữ trí thức đã được đào tạo bài bản, được hưởng lợi thế từ chính sách mở cửa, chủ trương hội nhập nên phát triển khá toàn diện, cả về trình độ khoa học lẫn những kiến thức xã hội, kỹ năng cuộc sống... Tuy nhiên, những cán bộ nữ làm khoa học vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản mà nếu được tháo gỡ thì họ sẽ phát huy được hết khả năng của mình để cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
* Bà có thể nói rõ hơn về những rào cản đối với phụ nữ làm khoa học hiện nay?
* Với chức năng thiên phú là làm vợ, làm mẹ, nên người phụ nữ đương nhiên sẽ vất vả, khó khăn hơn nhiều trên con đường nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, cái khó hơn cả chính là những quan niệm về bình đẳng giới vẫn chưa thật sự được cải thiện cả trong gia đình và xã hội. Tôi biết có những thanh niên trẻ không biết chế độ phong kiến là gì nhưng lại rất gia trưởng, chỉ muốn người phụ nữ của mình chu toàn việc nhà chứ không muốn họ phát triển nghề nghiệp, nhất là theo hướng nghiên cứu khoa học, một công việc đòi hỏi tốn khá nhiều thời gian, tâm sức. Còn ở ngoài xã hội, vẫn còn một bộ phận nam giới không muốn phụ nữ hơn mình nên không tạo điều kiện, tạo cơ hội cho chị em làm việc. Ngay với bản thân mình, phụ nữ cũng có những rào cản, nhiều chị em có năng lực tốt nhưng lại mang những quan niệm lạc hậu chung của xã hội về vai trò phụ nữ và tâm lý an phận. Tôi cũng muốn nói thêm, những quan niệm lệch lạc của xã hội hiện nay về chân giá trị cuộc sống khi đa số nghiêng về sùng bái vật chất cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý những người phụ nữ làm khoa học. Phần lớn những tấm gương phụ nữ làm khoa học thành công được vinh danh ở các giải thưởng trong nước và quốc tế đều cho thấy, họ là những người phụ nữ có năng lực, được làm việc trong môi trường tốt, được các cấp lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện, có người bạn đời biết thông cảm, chia sẻ và hơn hết là họ đều có niềm đam mê khoa học và ý chí để vươn lên.
* Thực tế hiện nay đội ngũ cán bộ nữ làm khoa học đang có vị trí như thế nào, thưa bà?
* Có một điều đáng buồn là tỷ lệ nữ có học hàm, học vị càng lên cao càng giảm, kể cả nhiều khối ngành đại học có số lượng sinh viên nữ rất đông nhưng càng lên cao thì tỷ lệ nữ càng giảm dần. Nhiều cơ sở đào tạo lớn hiện không có nữ giáo sư, ví dụ như Khoa Sinh học của Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội nơi mà tôi đã tham gia giảng dạy hiện trong đội ngũ giảng viên không có nữ giáo sư, còn tính chung cả nước thì nữ giáo sư chiếm 5,6%.
* Vậy theo bà, làm thế nào để phát huy tốt hơn đội ngũ nữ trí thức hiện nay?
* Bên cạnh việc sửa tuổi về hưu đối với cán bộ nữ làm khoa học, không nhất thiết nghỉ hưu ở tuổi 55, tôi cho rằng với phụ nữ làm khoa học cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Thứ nhất, cần có những chính sách đối với nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu muốn làm tiến sĩ thì nên quy định thời gian từ 3 - 5 năm chứ không bó buộc 3 năm như hiện nay. Khi xét duyệt đề tài khoa học thì nên ưu tiên cho đối tượng nữ. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần có chính sách hỗ trợ cho cán bộ nữ làm luận án tiến sĩ trong nước vì làm tiến sĩ trong nước rất vất vả, nếu thu nhập không đảm bảo cuộc sống họ sẽ không tập trung cao độ cho công việc. Tôi cũng kiến nghị chúng ta cần có quy hoạch đội ngũ cán bộ khoa học nữ, đẩy tỷ lệ nữ có học hàm học vị tăng lên 30%, 40% và cao hơn nữa, phải đặt ra một lộ trình cụ thể và có những chính sách, biện pháp để thúc đẩy, điều này rất quan trọng với mục tiêu phấn đấu đến 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.
* Vậy cụ thể Hội Nữ trí thức đã làm gì để hỗ trợ cho chị em làm khoa học phát huy khả năng của mình?
* Hội đã kết nối giữa những người phụ nữ làm khoa học với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, tăng cơ hội hợp tác; kết nối giữa việc nghiên cứu khoa học với các tổ chức, doanh nghiệp để có thể ứng dụng các nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm hữu dụng cho xã hội và tạo ra lợi nhuận. Hội cũng đã có tiếng nói đến Chính phủ, các bộ ngành để góp phần xây dựng những chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ nói chung, phụ nữ làm khoa học nói riêng.
* Với tư cách là người phụ nữ làm khoa học đã có nhiều cống hiến, bà có chia sẻ riêng gì nhân ngày 8-3?
* Từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy để thành công trước hết chúng ta phải có niềm đam mê đối với công việc mình làm. Sau đó, phải biết tổ chức cuộc sống gia đình một cách khoa học. Tôi không ủng hộ việc hy sinh bản thân mình cho khoa học bằng cách sống độc thân hay bỏ bê gia đình mà phải biết hài hòa, cân bằng, vẫn thực hiện được thiên chức của mình mà vẫn có được sự nghiệp khoa học không thua kém các đấng mày râu.
BÍCH QUYÊN (thực hiện)