Góp ý cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020, ông Hồ Long Phi (Giám đốc Viện Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng cần nêu ra nguyên tắc phối hợp thực hiện đồng bộ trong 4 chương trình hành động về đô thị: Chống ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; Giảm ngập, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Giảm ô nhiễm môi trường; Chỉnh trang và phát triển đô thị…
* PV: Tại sao ông lại đề xuất như vậy?
- Ông HỒ LONG PHI: Trước hết, cả 4 chương trình này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ngập nước cũng là một trong những tác nhân quan trọng gây kẹt xe, ô nhiễm môi trường. Chỉnh trang và phát triển đô thị hợp lý có vai trò mang tính quyết định tới việc giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường… Sau nữa, thực tế thực hiện các nội dung nêu trên trong thời gian qua ở TPHCM cho thấy ở nhiều nơi còn có sự thiếu đồng bộ, kết quả của nội dung này đôi khi trở thành trở ngại cho nội dung khác. Tôi lấy ví dụ, trên nhiều tuyến đường đã quá tải nhưng các cao ốc văn phòng, chung cư… vẫn được phép xây dựng. Hàng ngàn người mới đến ở hoặc đơn giản tới đây làm việc, tất yếu làm tình hình giao thông xấu đi. Đô thị hóa thiếu bền vững, tình trạng bê tông hóa nhiều làm gia tăng mặt phủ không thấm và san lấp sông rạch tự nhiên là một trong những nguyên nhân gây ra ngập... Thành tựu về phát triển nhà ở nếu không được quy hoạch hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông và ngập nước.
* Vậy nguyên tắc phối hợp giữa 4 chương trình này mà ông mong muốn là gì?
- TPHCM nên có một ban điều phối chung trong việc chỉnh trang và phát triển đô thị một cách bền vững. Ban này phải thực sự có quyền lực nhà nước và tất cả các chương trình, dự án của 4 nội dung nêu trên, sau khi lấy ý kiến đóng góp của các sở ngành chức năng phải được trình lên Ban điều phối. Ban điều phối có trách nhiệm cân đối, xem xét hiệu quả của chương trình, dự án trên cơ sở đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về chống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ngập nước, bảo vệ môi trường và phát triển đô thị bền vững. Chương trình, dự án nào đáp ứng được càng nhiều các yêu cầu đặt ra về phát triển đô thị bền vững cho thành phố - giúp thành phố trở thành nơi có chất lượng sống tốt thì được ưu tiên thực hiện.
Ban điều phối cũng nên có một bộ phận nghiên cứu chính sách, đưa ra các quy chuẩn để các chương trình, dự án về chỉnh trang đô thị, chống ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường… có thể phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhau thực hiện. Ví dụ, ban này có thể đưa ra yêu cầu khi xây nhà mới, người dân phải xây thêm bể chứa nước mưa để vừa trữ nước mưa, góp phần chống ngập với thành phố, vừa tiết kiệm được nước sạch do có thể dùng nước mưa trong một số nhu cầu như tưới cây, rửa xe… Ban điều phối cũng có thể quy định chủ các dự án đầu tư xây dựng đô thị phải có trách nhiệm đưa ra giải pháp “bồi hoàn” lại những “thiệt hại” mà họ đã gây ra trong quá trình thực hiện dự án. Xây nhà cao tầng, bê tông hóa, làm gia tăng dòng chảy tràn so với điều kiện tự nhiên thì chủ đầu tư công trình phải có trách nhiệm xử lý lượng nước bị chảy tràn này thay vì đẩy thêm gánh nặng cho thành phố.
Khi xây dựng các cao ốc kết hợp xây dựng các hồ nước sẽ giúp tăng khả năng thoát nước mùa mưa, trữ nước mùa khô. Ảnh: CAO THĂNG
* Trong trường hợp các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước không cho phép thành lập một ban điều phối như ông đề cập, theo ông, giải pháp nào để thực thi sự phối hợp hành động giữa các mục tiêu chống ngập, chống ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và chỉnh trang, phát triển đô thị?
- Trong tình huống này thì Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn bởi đây là hai sở có vai trò quyết định đến sự phát triển bền vững của thành phố. Ví dụ, để người dân phải làm thêm hồ chứa nước khi xây nhà, Sở Xây dựng phải đưa tiêu chí này vào các điều kiện được cấp phép xây dựng và triển khai thực hiện tới phòng quản lý đô thị các quận, huyện trong thành phố. Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải có tiếng nói cương quyết hơn trong các quyết định đầu tư phát triển đô thị sau khi cân đối tất cả các lợi ích của các bên liên quan.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN KHOA (ghi)