Đối với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế Vi mạch ICDREC (Đại học Quốc gia TPHCM), Nghị định 115 về KH-CN và các thông tư, nghị định sau đó thực sự là “cứu cánh”, là chỗ dựa và hành lang pháp lý để ICDREC tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, vẫn còn khá nhiều tồn đọng nên rất cần những cơ chế rộng mở hơn.
Đầu tiên, phải nói đến cơ chế khoán chi đối với nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách nhà nước. Cơ chế thuê khoán theo chuyên đề đã có từ lâu và vào thời điểm ra đời nó là một cơ chế đột phá. Thế nhưng đến bây giờ, với chủ trương đầu tư trọng điểm và hướng tới sản phẩm cuối cùng cho sản xuất kinh doanh thì kinh phí dành cho các đề tài hoặc dự án sẽ khá lớn.
Việc chia nhỏ công tác nghiên cứu chuyên môn ra làm nhiều chuyên đề gồm 2 loại 10 triệu đồng hay 30 triệu đồng là không khả thi và rất gượng ép. “Chúng tôi đang rất mong chờ những hướng dẫn cụ thể hơn về áp dụng khoán chi ở Điều 52 Luật KH-CN. Theo chúng tôi, cách tính tốt nhất là dựa trên bảng kê công việc và số lượng người, chuyên môn, thời gian giải quyết công việc đó với một mức lương đủ và đúng”, ông Ngô Đức Hoàng cho biết.
Một vấn đề ICDREC rất quan tâm là quy định cho phép mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo thỏa thuận. ICDREC hiện làm chủ nhiều bản thiết kế từ chip, thiết bị cho đến hệ thống. Để đưa sản phẩm công nghệ ra thị trường, cách chung nhất là ICDREC phải tìm được doanh nghiệp để hợp tác. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng làm được và đôi khi phải có thời gian cũng như may mắn.
Nếu xét thấy sản phẩm có tính thương mại hoặc cần thiết cho an ninh quốc phòng, nhà nước có thể đặt vấn đề mua lại kết quả rồi từ đó tiếp tục đưa vào dự án sản xuất thử nghiệm hay tìm kiếm doanh nghiệp sử dụng kết quả này. Có như thế, tổ chức nghiên cứu có kinh phí để thực hiện những nghiên cứu tiếp theo, thời gian kết quả đi vào thị trường nhanh hơn nhiều.
Cần thấy rõ, một sản phẩm công nghệ chỉ sống thật sự khi nó được đưa vào ứng dụng trong thực tế hay đơn giản hơn là có thị trường.
Sản phẩm cũng chỉ phát triển và ngày càng hoàn thiện khi có thị trường. Tuy nhiên, một số sản phẩm tiềm năng của ICDREC như điện kế điện tử, settop box (hộp giải mã truyền hình cáp)… đang gặp khó khăn trong việc xâm nhập thị trường, đặc biệt thị trường đầu tư công. Đây là một nghịch lý vì trong lịch sử phát triển công nghệ của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… thì lĩnh vực đầu tư công luôn là môi trường lý tưởng ban đầu để tạo đà thúc đẩy cho sản phẩm nội địa.
Cho nên rất cần xây dựng chính sách đầu tư công sao cho vừa thúc đẩy được công nghệ trong nước mà không vi phạm các định chế như WTO, TPP… Đây là một vấn đề khó khăn nhưng các nước khác đã từng làm được để tạo ra những sản phẩm chủ lực quốc gia của họ. Sản phẩm công nghệ quốc gia cũng chính là những sản phẩm mà chúng ta cần hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh hiện nay, ông Ngô Đức Hoàng cho biết thêm.
KIM THANH