(SGGPO).- Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều nay, 11-3.
Theo báo cáo dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp, có 4 nhóm vấn đề lớn đã được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này. Đó là nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý hải quan; tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hải quan; sửa đổi một số nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; cụ thể hóa vào Luật một số nội dung trước đây giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
“Dự thảo lần này chỉ còn 12 nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết, giảm gần một nửa so với 23 nội dung cần hướng dẫn của dự thảo trước”, ông Lý cho biết.
Trong khi cơ bản thống nhất với các nội dung về hiện đại hóa quản lý hải quan, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung phân tích, góp ý cho các nội dung về tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hải quan.
Tổng kết phần thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với quan điểm được thể hiện trong dự thảo về việc mở rộng và quy định rõ nhiều thẩm quyền của lực lượng hải quan, bao gồm cả việc tạm giữ người, tạm giữ hàng hóa tang vật, truy đuổi đối tượng… song yêu cầu quy định rõ vào Luật chế tài xử lý công chức hải quan vi phạm pháp luật.
Liên quan đến việc kiểm tra sau thông quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra lưu ý làm rõ những căn cứ cho công tác này, đồng thời nêu rõ địa chỉ kiểm tra sau thông quan là tại “trụ sở của cơ quan hải quan và trụ sở của người khai hải quan”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự luật đã phát biểu giải trình và tiếp thu nhiều nội dung đã được góp ý.
Bổ sung trên 18.000 tỷ đồng cho 82 dự án
Tại phiên họp ngày 11-3, UBTVQH đã biểu quyết nhất trí bổ sung trên 18.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho 82 dự án theo đề nghị của Chính phủ. Trong số đó, bố trí 1.323 tỷ đồng để hoàn thành 5 dự án theo tổng mức đầu tư quy định tại các nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH. Bố trí 4.362 tỷ đồng cho 22 dự án điều chỉnh cắt, giảm quy mô phù hợp với mức vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016; 8.762 tỷ đồng cho 37 dự án dự kiến bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 không điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng bộ và địa phương có văn bản cam kết huy động các nguồn vốn khác để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ; trên 3.600 tỷ đồng cho 18 dự án điều chỉnh cắt, giảm quy mô đầu tư, đồng thời cam kết huy động thêm nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Đối với các dự án do Bộ Y tế có nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư chủ yếu là nguồn vốn ngân sách trung ương cấp hàng năm theo quy định, vốn xã hội hóa và nguồn thu trích từ nguồn thu dịch vụ chiếm tỷ trọng nhỏ, Chính phủ cam kết bố trí thêm nguồn vốn ngân sách trung ương cho Bộ Y tế để sớm hoàn thành các dự án, đưa vào sử dụng đồng bộ, góp phần giảm quá tải các bệnh viện.
UBTVQH quyết định không bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016 cho 9 dự án tạm đình hoãn để xử lý sau hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư.
Quy định cụ thể điều kiện đơn phương miễn thị thực
Một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp sáng nay, 11-3. Lưu ý rằng đây là một dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Ủy ban nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 và định hướng cải cách thủ tục hành chính.
Bàn về định nghĩa tại dự thảo “Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước khác và người không quốc tịch”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, dự luật đã bỏ sót trường hợp người có 2 quốc tịch (một là quốc tịch Việt Nam và một là quốc tịch nước ngoài) khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Ông Thi đặt câu hỏi: “Khi người có 2 quốc tịch ở Việt Nam thì họ dùng tư cách nước ngoài hay người Việt Nam, có áp dụng cơ chế như người như người nước ngoài không. Vấn đề ở đây không phải anh có bao nhiêu quốc tịch mà khi vào Việt Nam, anh dùng quốc tịch nào”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chia sẻ quan điểm này và kiến nghị xử lý theo hướng người có 2 quốc tịch vào Việt Nam bằng quốc tịch nào thì bị điều chỉnh theo quy định đó. Theo ông, dù là hai anh em ruột nhưng khi nhập cảnh bằng hộ chiếu khác nhau thì cách điều chỉnh khác nhau.
Góp ý này được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa tiếp thu theo hướng “người nhập cảnh vào Việt Nam vào bằng hộ chiếu nào thì điều chỉnh theo hộ chiếu đó”.
Liên quan đến quy định đơn phương miễn thị thực, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân một nước và giao cho Chính phủ căn cứ vào đó để quyết định cụ thể miễn thị thực cho công dân từng nước nhằm bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đối ngoại, mở cửa và hội nhập.
Mặc dù vậy, ông Khoa cũng cho biết thêm, một số ý kiến được tập hợp từ các đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng nên quy định như dự thảo ban đầu được Chính phủ trình, theo đó "Chính phủ trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đơn phương miễn thị thực cho từng nước", vì đây là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia.
Về điều kiện cấp thị thực, khoản 2, điều 10 của dự thảo Luật quy định: “Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật này”, ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng xu hướng các nước chỉ xem xét có đủ điều kiện cấp thị thực chứ không cần duyệt nhân sự, bảo lãnh; đặc biệt khi Việt Nam tham gia cơ chế thị thực chung…
ANH PHƯƠNG