
Sáng 4-8, Viện Kinh tế và Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM đã tổ chức hội thảo “Thực trạng ngập nước tại TPHCM – nguyên nhân và giải pháp”. Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã đến dự. Tại hội thảo, ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng: Giải quyết vấn đề ngập nước tại TPHCM phải có tầm nhìn chiến lược, tổng thể và đặt trong mối quan hệ liên vùng.
Chống ngập: Còn thụ động!

Mở đầu hội thảo, TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, cho biết: Trên địa bàn TPHCM đến nay còn 105 điểm ngập nước; trong đó, 47 điểm ngập do mưa, 51 điểm ngập do triều cường kết hợp với mưa; nghiêm trọng hơn là có rất nhiều nơi ngập ngay cả mùa khô.
Ông cảnh báo, vấn đề ngập nước ở TP có liên quan trực tiếp đến quá trình đô thị hóa đang diễn ra. Nếu chống ngập không gắn liền với vấn đề quy hoạch, quản lý và xây dựng một cách chặt chẽ thì chống ngập sẽ tiếp tục ở trong thế bị động, khó giải quyết căn cơ.
Ngoài ra, diện tích kênh rạch đã bị san lấp theo các dự án đã giao và cho thuê đất tính đến tháng 6-2006 là 2.157 ha (không có con số thực lấp là bao nhiêu). “Như vậy, trong quy hoạch phát triển, TP đã chấp nhận san lấp sông rạch và không tính đến việc tạo ra sông rạch, hồ chứa nước mới khi xây dựng đô thị. Đây là vấn đề cần xem xét trong quy hoạch phát triển TP, phải gắn với điều kiện địa hình tự nhiên” – TS Trần Du Lịch gợi ý.
Còn Th.S Hồ Long Phi (ĐH Bách khoa TPHCM) đưa ra kết quả khảo sát gây bất ngờ. Đó là, 75% vị trí ngập đều có cốt nền cao trên +2,5m (cao hơn mực nước triều), thậm chí có những nơi cốt nền cao +8m cũng bị ngập chứ không riêng gì những nơi có cốt nền thấp.
Đặc biệt, khảo sát từ thực tế của Th.S Hồ Long Phi cho thấy, tỷ lệ cống hư hỏng tại TPHCM chiếm tỷ lệ chỉ 12% (chủ yếu là cống nhỏ). Ngập nước do ảnh hưởng của triều chiếm tỷ lệ chỉ 25%, còn ngập nước do cống không đủ khả năng thoát nước chiếm đến 75%. Cụ thể là tiết diện cống không đạt yêu cầu, chưa đồng bộ giữa thượng nguồn và hạ nguồn, đường làm mới chỉ thiết kế hệ thống thoát nước cho mặt đường mà chưa tính cho khu vực.
Trong khi đó, GS.TSKH Lê Huy Bá nhận định: Hàng loạt các giải pháp cho vấn đề ngập lụt đô thị đã được đưa ra và thực hiện như: cải tiến hệ thống thoát nước, nâng đường… nhưng đều tỏ ra không đạt hiệu quả vì những giải pháp này chỉ mang tính “chống đỡ, tình thế, bị động”. Vấn đề ngập nước đô thị vẫn chưa giải quyết tận gốc do chưa nắm vững bản chất vật lý của khu vực bị ngập nước và khu vực tiêu thoát nước.
Ngoài ra, ông Thái Đình Khang (chuyên gia quy hoạch và quản lý tài nguyên nước) nhìn nhận: Trách nhiệm chống ngập nước vô cùng to lớn nhưng chiến lược về thoát nước tại TPHCM thì chưa có! Sở NN-PTNT cũng thừa nhận đã chủ quan trong việc xây dựng các công trình thủy lợi chỉ nghĩ đến phục cho nông nghiệp mà chưa nghĩ tới việc tiêu thoát nước. Việc quản lý sông kênh rạch chồng chéo giữa các cơ quan quản lý làm cho nhiều đoạn kênh rạch bị bỏ quên, không được khai thông gây tắc nghẽn dòng chảy.
Giải pháp: chiến lược, tổng thể, liên vùng
Đa số ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, xây dựng hệ thống thoát nước cho TPHCM cần phải có tầm nhìn chiến lược, ít nhất là 50 năm và phải có quy hoạch tổng thể liên vùng (các địa phương lân cận). Nếu quy hoạch thoát nước theo kiểu “nhìn ngắn” chỉ 10 năm đến 20 năm thì chắc chắn sẽ bị lạc hậu.
Theo GS Nguyễn Sinh Huy, nguyên tắc về quy hoạch cho TP là phải “toàn diện, tổng hợp; từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên, trên cơ sở đó xem xét biện pháp chống ngập cho từng vùng, từng đối tượng. Nên có 1 chương trình chống ngập với sự tham gia của nhiều ngành”.
GS.TSKH Lê Huy Bá nhấn mạnh: Nếu cứ thực hiện chắp vá theo kiểu “ngập đâu, chống đó”, hay nơi này hết ngập lại phát sinh nơi khác, thì TPHCM khó có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn “chống – ngập, ngập – chống”. Ông dẫn chứng dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với kinh phí hàng trăm triệu USD nhưng cũng không giải quyết được ngập một cách căn cơ.
Để chống ngập cho TPHCM, GS Lê Huy Bá đưa ra các giải pháp: khôi phục và nạo vét lại hệ thống kênh rạch; cải tạo lại hệ thống cống thoát nước, xây hồ điều hòa, đào kênh vành đai cho thoát nước để tiêu nước nửa phía Bắc TP theo rạch Tra chảy qua Hóc Môn, Bình Chánh đổ ra sông Chợ Đệm.
Đồng tình với giải pháp này, Th.S Hồ Long Phi nhấn mạnh, để có quy hoạch tổng thể cho TPHCM thì cần phải mở tuyến thoát nước bổ sung cho sông Sài Gòn (hiện tuyến này đã quá tải); quy hoạch các khu vực điều tiết nước quanh TP; khai thông dòng chảy về phía Nam trên cơ sở tôn trọng thoát nước tự nhiên… Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Giới đưa ra ý kiến: UBNDTP cần nghiên cứu đưa ra cao trình cụ thể vì đây là cơ sở để cho các nhà khoa học tìm ra giải pháp chống ngập tối ưu nhất.
VÂN ANH – HỒ THU
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải: Việc chống ngập cho TP cần tiến hành khẩn trương, trên cơ sở huy động mọi nguồn lực, nhưng không được nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Qua hội thảo này, những ý kiến nào xác đáng cần làm ngay thì phải làm ngay. Từ nay trở đi, chấm dứt các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần gây ngập TP.
Khẩn trương nhưng phải thận trọng
Lãnh đạo TP xin hứa sẽ làm hết sức mình và tạo mọi điều kiện cho các ngành chức năng, các nhà khoa học thực hiện công tác chống ngập cho TP. Cố gắng từ nay đến cuối năm, các sở ngành chức năng phải hoàn chỉnh đề án quy hoạch thoát nước cho TP có chất lượng.
Giám đốc Sở GTCC TPHCM Trần Quang Phượng: Để đảm bảo thoát nước cho khu vực trung tâm TPHCM, chúng tôi đang thực hiện 4 dự án, gồm: Nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; nạo vét rạch Bến Nghé – kênh Tàu Hủ – kênh Nước Đôi; dự án thoát nước kênh Hàng Bàng và dự án nạo vét kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Các dự án nay đang thực hiện và chậm nhất năm 2008 sẽ hoàn tất, khắc phục được tình trạng ngập cho tại khu vực trung tâm hiện nay. Theo tôi, đến năm 2020, TP sẽ giải quyết cơ bản vấn đề ngập nước. Ng.M.A. - H.B. (ghi)
Năm 2008 trung tâm TP sẽ cơ bản hết ngập
Tình trạng ngập nước tại TPHCM hiện nay rất phức tạp. Việc chống ngập, tiêu thoát nước không phải nhiệm vụ riêng của Sở GTCC mà cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan có liên quan và của cả cộng đồng.
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM Nguyễn Trọng Hòa:
Chúng tôi cũng có tội
Trước vấn đề ngập nước ở TPHCM hiện nay, chúng tôi cũng có tội! Trong thời gian qua, sở đã thiếu sót trong việc cung cấp thông tin quy hoạch đến các quận – huyện, sở - ngành chức năng TP. Điều này sẽ được khắc phục trong thời gian tới bằng cách đăng tải công khai các thông tin về quy hoạch trên website của sở. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là việc giải tỏa để xây hồ điều tiết chống ngập cho TP cũng bị treo! Nhiều hồ điều tiết nước do không giải tỏa được đã làm nhỏ lại so với thiết kế ban đầu. Trong 1, 2 tháng tới, chúng tôi quyết tâm phối hợp xây dựng hoàn tất văn bản quản lý hệ thống thoát nước. Trong đó sẽ quy định rõ về vật liệu xây dựng cho mỗi dự án nhằm đảm bảo thoát nước.