Cần có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền giám sát

LTS: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ, cấp ủy tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương, thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Để công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) hiệu quả, cần có cơ chế cụ thể để dân thực hiện quyền này. Báo SGGP xin giới thiệu một số ý kiến của lãnh đạo MTTQ TPHCM, chuyên gia và người dân về vấn đề này.

Đồng chí TÔ THỊ BÍCH CHÂU, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM: Phát huy vai trò giám sát của hệ thống MTTQ

Muốn PCTNTC tốt, phải có cơ chế, chủ trương và các quy định pháp luật để cán bộ không tham nhũng, tiêu cực và không có điều kiện cũng như không cần thiết phải tham nhũng, tiêu cực. Điều này là quan trọng nhất trong PCTNTC. 

Trong công tác cán bộ, chúng ta phải có giải pháp bồi dưỡng, tạo điều kiện để cán bộ an tâm công tác. Một khi cán bộ an tâm công tác, có trách nhiệm phụng sự, người cán bộ sẽ không suy nghĩ đến những chuyện xấu, những chuyện tư lợi cho bản thân. Đồng thời, cần cải cách chế độ tiền lương, đảm bảo thu nhập của cán bộ cơ bản đủ sống, đủ trang trải cho bản thân và chăm lo được cho gia đình.

Cùng với đó, cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát của hệ thống MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Song song đó, qua kênh giám sát của nhân dân, chúng ta tiếp nhận các thông tin, phản ánh về dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; từ đó góp phần thúc đẩy các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả hơn, tốt hơn vai trò của mình trong PCTNTC. Trong giám sát, cần cụ thể giám sát nội dung gì, giám sát ở đâu, giám sát ai. Đồng thời, người giám sát phải đủ dũng khí, đủ kiến thức, trình độ chuyên môn và đủ độ nhạy cảm, nhạy bén để phát hiện những trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. PCTNTC phải dựa vào dân, bởi có những vụ việc khi người dân phản ánh, phát hiện thì các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi tham nhũng, tiêu cực. 

TS TRẦN HỮU HIỆP, chuyên gia kinh tế: “3 không” tham nhũng, tiêu cực

Có thể thấy, bên cạnh “điểm sáng”, vẫn còn những “mảng tối” trong PCTNTC và người dân đang đòi hỏi công tác này phải được tiếp tục với quyết tâm cao hơn, biện pháp mạnh mẽ hơn, tạo bứt phá thực sự. PCTNTC không thể chủ quan, nóng vội, nể nang, né tránh, hay cầm chừng tùy lúc mà phải rất kiên trì, bền bỉ, không “ngừng”, không “nghỉ”. Cần kiên quyết hơn nữa, dứt khoát và dứt khoát hơn nữa trong xử lý “quan tham”, ngăn chặn từ xa các thủ đoạn mới, tinh vi, lợi dụng chính sách để trục lợi; cần chặt đứt các khâu then chốt trong chuỗi móc xích, cấu kết phạm tội có hệ thống, nhất là các điểm mấu chốt ở những người có chức, có quyền. 

Một hệ thống phòng ngừa và giải quyết xung đột về lợi ích đang là phần cốt lõi trong PCTNTC. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế điều chỉnh xung đột về lợi ích sẽ giúp xử lý được những thách thức đang nổi lên về nhóm lợi ích. Ngoài ra, cần hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan đầu tư công, đấu thầu, ra quyết định đầu tư công trình và cơ chế giám sát hiệu quả. Cơ chế “3 không”: không thể, không dám và không cần tham nhũng, phải trở thành “3 trụ cột” của công cuộc PCTNTC thời gian tới.

Ông MAI ĐĂNG CẢNH, Bí thư Chi bộ khu phố 5, phường Tân Định, quận 1, TPHCM: Đòi hỏi vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Trước giờ chúng ta đều có đầy đủ cơ quan chuyên môn PCTNTC, thậm chí trong từng cơ quan ban ngành, đơn vị, địa phương đều có cơ quan chuyên môn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vẫn xuất hiện ở chính những nơi này.

Hiện nay, các tỉnh, thành đã và đang thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC ở địa phương. Điều này mang lại kỳ vọng mới của người dân đối với công tác PCTNTC. Do đó, Ban Chỉ đạo PCTNTC ở các địa phương cần có quy chế làm việc rõ ràng, nghiêm khắc đối với các cơ quan chuyên môn làm công tác kiểm tra giám sát ở từng ban ngành, cơ quan đơn vị. Trong đó, chúng tôi kỳ vọng phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở cấp ủy, cơ quan đơn vị và địa phương. Nếu để xảy ra những vụ việc có tính chất tham nhũng, tiêu cực ở trong chính cơ quan đơn vị người đó phụ trách thì họ phải chịu trách nhiệm. Người dân cũng mong muốn nâng cao hiệu quả, chất lượng của các ban thanh tra, kiểm tra, giám sát trong từng cơ quan ban ngành, đơn vị, địa phương. 

Ông PHẠM LÂM VIỆT HUY, ngụ phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM: Củng cố niềm tin trong nhân dân

Thời gian vừa qua, công cuộc PCTNTC với việc xử lý nhiều cán bộ cao cấp đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Trước đó, suốt một thời gian dài, dư luận xã hội đã nghi vấn rằng những cán bộ sai phạm sống yên ổn là nhờ có ô dù và đã được ai đó bao che, đỡ đầu. Qua những vụ án lớn, xử lý nhiều cán bộ cao cấp cho thấy, đấu tranh chống tham nhũng là không có vùng cấm. Những cán bộ suy thoái, dính líu đến tài sản nhà nước và nhân dân đều bị xử lý, dù đó là ai. 

Lâu nay, tưởng chừng như chỉ những cán bộ có chức, có quyền mới có thể tham nhũng. Nhưng thực tế cũng cho thấy, ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều nơi, cấp chuyên viên, nhân viên cũng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, hoặc là thành phần trong một đường dây tham nhũng lớn. Không có “phong bì”, không có lót tay… thì công việc của người dân khó được giải quyết! Để góp phần phòng ngừa hiệu quả, Đảng và Nhà nước cần xây dựng giải pháp chặt chẽ. Trong đó, cần có chế độ tiền lương, phụ cấp thế nào để cán bộ được đảm bảo cuộc sống mà không tơ tưởng đến tham nhũng. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế cho nhân dân giám sát hiệu quả hơn để cán bộ không thể tham nhũng.

Tin cùng chuyên mục