Qua thực tế xét xử các vụ án tham nhũng cho thấy, nhiều cán bộ bị đưa ra xét xử từng có quá trình phạm tội khá dài, nhưng đã che giấu hoặc được bao che một cách tinh vi, kỹ càng. Điều này cho thấy công tác giám sát cán bộ, công chức vẫn còn nhiều lỗ hổng, trong đó có cả giám sát của nhân dân. Trong một thời gian dài, chúng ta chưa thật sự coi trọng đúng mức giám sát của nhândân.
Thông thường, nhân dân giám sát cán bộ, công chức bằng các hình thức như góp ý trực tiếp trong sinh hoạt hoặc gửi thư tới các tổ chức, cơ quan phát hiện; thông qua các cơ quan báo chí; góp ý thông qua các cơ quan như Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, HĐND, các tổ chức đoàn thể, hoặc thông qua các cuộc họp tại khu phố, tổ dân phố. Tuy nhiên, quần chúng không có điều kiện điều tra, nắm bắt rõ ngọn nguồn vụ việc mà chủ yếu thông qua sự quan sát trực quan, định tính như “thấy giàu lên nhanh chóng”, “thấy có nhiều nhà”, “thấy ăn chơi hoang phí, thiếu lành mạnh”, “thấy các mối quan hệ với nhiều loại người phức tạp”, “thấy con cái hư hỏng, mắc tệ nạn”... Tất nhiên, những quan sát này chưa thể quy kết đó là sai phạm, nhưng trong nhiều trường hợp, đó cũng là những chứng cứ cần thiết để các cơ quan chức năng tìm ra manh mối các vụ phạm tội mà việc giám sát, kiểm tra của các cơ quan Đảng, Nhà nước không phát hiện ra. Ngoài ra, cũng có một thực tế, tính chiến đấu trong sinh hoạt của nhiều tổ chức chưa cao, công tác quản lý cán bộ chưa chặt chẽ nên việc đánh giá cán bộ khó chính xác. Còn ở khu dân cư, nhân dân biết rất rõ đời sống, sinh hoạt, quan hệ xã hội của cán bộ, công chức và người thân trong gia đình của họ sống tại nơi cư trú. Tuy vậy, trong các cuộc sinh hoạt khu phố, tổ dân phố, mặc dù lên án hành vi biến chất của một số cán bộ, công chức nói chung, nhưng rất ít bà con phát biểu thẳng thắn về những trường hợp cụ thể trong các cuộc họp, nhất là đối với cán bộ đương chức. Có đồng chí cán bộ hưu trí phân trần, không hẳn vì ngại đụng chạm hay sợ sệt mà không dám tố cáo, chẳng qua là họ muốn giữ cho gia đình và con cháu được an toàn, không bị kẻ xấu hăm dọa, trù dập. Ở cơ quan, quần chúng cũng rất ngại là những ý kiến phê bình, phát hiện, tố cáo gửi lên cấp trên sau đó được gửi trở lại cơ sở vì một số cán bộ cơ sở đã lấy đó làm căn cứ để trù úm người tố cáo.
Do vậy, cần phải có cơ chế thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân trên các kênh, các hình thức. Một mặt tôn trọng, lắng nghe, không để sót, nhưng phải phân tích mức độ đúng sai về những ý kiến phản ánh của nhân dân, mặt khác phải bảo vệ người đã có ý kiến phát hiện những sai trái của cán bộ, công chức.
HUỲNH ĐẠT